Giá gạo, sản lượng xuất khẩu đều tăng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 605.400 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 377,9 triệu USD, tăng 3,8% về lượng và tăng 37,3% về giá trị so với tháng 9 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, mang về 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về giá trị.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp trong 9 tháng đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên cả gạo 5% tấm và 25% tấm vẫn giữ mức trên 600 USD/tấn - mức cao nhất thế giới.
Theo dự báo của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, châu Phi vẫn lớn. Trong khi đó, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Đầu tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, từ nay đến cuối năm, nước này cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia bên cạnh 2 triệu tấn đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay. Việc nhập khẩu sẽ được thực hiện sớm nhất từ cuối tháng 10/2023. Đặc biệt, nước này cũng xác nhận Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua tới đây.
Trước đó, Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo về việc mời thầu 500.000 tấn gạo 5% tấm nhập khẩu, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và 200.000 tấn từ Pakistan. Theo đó, đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 25/12/2023.
Trong khi đó, tính đến ngày 15/9/2023, Philippines đã nhập khẩu khoảng 2,4 triệu tấn gạo, vẫn thiếu 1,1 triệu tấn so với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ về lượng gạo nhập khẩu cả năm của nước này. Malaysia cũng có kế hoạch nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Kỳ vọng bức tranh sáng nửa cuối năm
Quý III năm nay, giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu đã hạ nhiệt đáng kể so với cùng kỳ. Chi phí đầu vào hạ nhiệt trong khi giá gạo cao hơn nhiều so năm ngoái khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng các doanh nghiệp lúa gạo sẽ cải thiện được biên lợi nhuận gộp.
Nửa đầu năm nay, ngoại trừ Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) ghi nhận lãi lớn nhờ việc chuyển nhượng công ty liên kết, nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tăng trưởng âm so với năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dự báo khởi sắc trong quý III cũng như nửa cuối năm.
Với Lộc Trời, ngoài mảng sản xuất - kinh doanh lương thực và gạo (chiếm tỷ lệ 54%), Tập đoàn còn hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, bao bì, xây dựng và nhiều lĩnh vực khác. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo, doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ của Lộc Trời năm 2023 sẽ đạt 13.654 tỷ đồng và 451 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,8% và 9,3% so với mức thực hiện trong năm ngoái. Riêng doanh thu mảng lương thực và gạo kỳ vọng đạt 8.802 tỷ đồng, tăng 36,9% so với năm trước.
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN) có một hệ sinh thái đa dạng, hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu và lãi sau thuế của PAN lần lượt giảm 14% và 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Với dự phóng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tích cực, SSI Research ước tính, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PAN trong năm 2023 lần lượt đạt 14.400 tỷ đồng và 842 tỷ đồng, đều tăng 6% so với cùng kỳ.
Với Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), Mirae Asset Việt Nam dự phóng doanh thu năm 2023 đạt 4.487 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 64,8 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, vẫn có lo ngại rằng nhiều nhà cung ứng chần chừ không giao hàng cho doanh nghiệp với những hợp đồng đã ký theo giá cũ, nên các doanh nghiệp lúa gạo gặp khó khăn về nguồn hàng xuất khẩu, thậm chí chấp nhận trả thêm tiền để được nhận hàng. Trong khi đó, chi phí vốn bỏ ra lớn cùng với lãi suất ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp không có lãi.
Ngoại trừ cổ phiếu TAR, các cổ phiếu của nhóm xuất khẩu lúa gạo đã ghi nhận đà hồi phục khá tích cực trong các phiên gần đây. Đóng cửa phiên 13/10/2023, thị giá cổ phiếu TAR chỉ còn 12.700 đồng/cổ phiếu, giảm 44% so với đỉnh ngắn hạn (22.700 đồng/cổ phiếu trong phiên 7/8/2023). Thị trường phản ứng tiêu cực trước thông tin TAR bị đưa vào diện bị kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023. Trước đó, công ty này cũng bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 487,5 triệu đồng do 7 vi phạm liên quan đến thị trường chứng khoán.