Chờ ...chuyển đổi số

Chờ ...chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mọi thứ cần và đủ luôn bắt đầu từ con người và tư duy về câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản cũng như vậy.

Đó cũng là chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản 2022: Proptech - xu hướng tất yếu của thị trường, do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 13/12.

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo cho biết: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đã và đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn cầu, làm thay đổi toàn bộ mô hình, phương thức phát triển của các quốc gia.

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng số. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW… Những chủ trương đó đã khẳng định chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, chứ không còn là sự lựa chọn.

Theo thống kê và dự báo của nhiều tổ chức, riêng khu vực ASEAN, nếu áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới, giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021.

“Thực tế, trong vài năm qua, các công ty khởi nghiệp của Proptech trong ngành bất động sản đã mang đến nhiều sản phẩm mới; các ứng dụng ưu việt, hiện đại đã và đang ra đời, phát triển hết sức đa dạng, sôi động. Tuy vậy, những thách thức cho các startup Proptech thực sự đang rất lớn khi không phải ai cũng hiểu về Proptech cũng như những lợi ích mà các proptech mang lại", bà Thảo đánh giá.

Ông Bùi Quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TNTech, Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn TNG Holdings Vietnam chia sẻ, hiện nay nhà nhà, người người nhắc đến chuyển đổi số, nhưng thực tế chuyển đổi số như thế nào thì không nhiều người biết phải bắt đầu từ đâu. Dựa trên các mô hình đánh giá thang điểm trên thế giới, theo ông Khánh, hiện Việt Nam mới được khoảng 1,6 điểm trong thang điểm 5, trong khi trung bình thế giới là 3,2, tức là “chúng ta rất xa so với mô hình chuyển đổi số bất động sản toàn cầu”.

Thực tế, các cấp địa phương đang nỗ lực bắt kịp tư duy và công nghệ số hóa, kỳ vọng hình thành dần diện mạo của những chính quyền thông minh, hiệu quả.Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động còn nhiều hạn chế ở nhiều góc độ.

Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land trình bày tại diễn đàn.
Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land trình bày tại diễn đàn.

Riêng với thị trường bất động sản, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land cho biết, thị trường bất động sản hiện nay tồn tại rất nhiều vấn đề như thời gian giao dịch chậm, thiếu minh bạch về thông tin pháp lý, chi phí hoạt động cao, chưa có công cụ để đo lường, tính toán, định giá nên thanh khoản chậm, nợ đọng kéo dài, khó thu hồi vốn, dòng tiền lưu thông kém đối với các chủ đầu tư.

Hiệu quả công việc thấp bởi phương thức thực hiện thủ công của các nhà môi giới. Khó khăn trong xử lý, phát mãi tài sản đảm bảo tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, chuyển đổi số chắc chắn là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hứa hẹn sự chuyển mình, "đổi đời" của các doanh nghiệp.

Nếu mô hình phát triển các sản phẩm truyền thống chỉ quan tâm đến số lượng tài khoản và lượt truy cập để đánh giá mức độ thành công thì tại mô hình hệ sinh thái công nghệ số, dữ liệu (Data) được coi là cốt lõi để phát triển. Bởi lẽ, những dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở để ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 khác nhau như Blockchain, AI, Big Data, VR/AR/360, GIS có thể xác định được đối tượng, nhu cầu thông qua hành vi của người dùng để tập trung phát triển những sản phẩm, tính năng phù hợp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT, cho rằng, muốn phát triển thị trường bất động sản minh bạch bền vững thì nhất thiết dữ liệu thị trường bất động sản phải gắn liền với dữ liệu đất đai và trong đó chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu.

"Nhưng theo quy định hiện nay cần phải lưu ý dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì có thể công khai nhưng còn thông tin địa chính liên quan đến chủ sở hữu đất thì đây là thông tin riêng tư cần được bảo vệ và thông tin này nên được chia sẻ ở mức độ nào thì giữa Bộ Xây dựng và TN-MT sẽ phải ngồi bàn lại với nhau", ông Thế nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Tùng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT), cho biết, thời gian vừa qua Bộ TT-TT đã tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan tới chuyển đổi số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Đây là những văn bản quan trọng trong chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ về chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Nằm trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, ông Tùng Anh cho rằng bất động sản cũng sẽ phải chuyển mình mạnh mẽ, bởi chỉ có chuyển đổi số trong giai đoạn này mới giúp mang lại nhiều cơ hội để tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các chiến dịch marketing hấp dẫn, hiệu quả và nhanh chóng.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí trong các hoạt động quản lý của các doanh nghiệp bất động sản cũng như tạo sự thuận tiện cho các khách hàng tiếp cận theo các nhu cầu khác nhau (trải nghiệm, tiếp cận, thanh toán…).

Tuy nhiên, ông Tùng Anh thừa nhận, chuyển đổi số nói chung tại các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn (về hành lang pháp lý, nguồn nhân lực, nhận thức, cũng như nguồn lực…), do chuyển đổi số là một vấn đề mới, chưa có chuyên gia trong lĩnh vực này cũng như sự thay đổi diễn ra liên tục của công nghệ. “Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản cũng vậy, những vấn đề như hành lang pháp lý, nhận thức, áp dụng công nghệ, hay khó khăn về nguồn lực là một bài toán khó, cần có sự quyết tâm của Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ban ngành có liên quan”, ông Tùng Anh cho biết.

Do vậy, theo các chuyên gia, để chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản thành công, không chỉ có các nhà đầu tư, nhà phân phối bất động sản mà các doanh nghiệp từ các lĩnh vực có liên quan như: Vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, kiến trúc, thiết kế cung cấp trang trí nội ngoại thất… đều phải chủ động, thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp trong thời gian tới để tiếp tục phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan