Doanh nghiệp trong nước đang phải chịu gánh nặng chi phí vốn lớn.

Doanh nghiệp trong nước đang phải chịu gánh nặng chi phí vốn lớn.

Chờ chính sách mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, chính sách tiền tệ năm 2023 nên tập trung vào mục tiêu giảm lãi suất bằng cách tăng cung tiền hợp lý ra nền kinh tế. 

Những diễn biến của các thị trường tài sản và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2022 chịu tác động lớn từ chính sách tiền tệ. Ông có nhận xét gì về diễn biến này?

Năm 2022, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất thường, song không phải là khủng hoảng cấu trúc, mà chỉ là một “tai nạn”. Chúng ta thấy lạm phát cao ở hầu hết các nước, ít nước có tăng trưởng song công ăn việc làm không giảm, thu nhập của dân chúng không giảm. Người dân không dám chi tiêu mà để dành, phòng ngừa rủi ro trong ngắn, trung hạn.

Diễn biến ở các nền kinh tế tạo ra những nhận định khác nhau, trong đó có nhiều người bi quan cho rằng đây là khủng hoảng và chúng ta phải ứng phó như khủng hoảng, dẫn tới quan điểm chính sách cực đoan. Đồng USD tăng giá làm tỷ giá tăng khiến giá nhập khẩu tăng, nên kỳ vọng lạm phát lớn ở Việt Nam. Lo ngại như vậy nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ngoại tệ và tăng lãi suất với cường độ lớn.

Những tính toán ban đầu dựa trên những dự báo bên ngoài rất tiêu cực khiến chúng ta lo ngại cũng là điều bình thường. Nhưng đấy cũng là điều cần rút kinh nghiệm trong tương lai, cần nhìn nhận bản chất để xem những gì có thể tác động đến Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, năm 2022, nguyên nhân gây lạm phát là chi phí đẩy. Nếu vậy, ứng phó phải khác, chi phí đẩy thì dùng chính sách tài khóa sẽ có tác dụng hơn nhiều, chẳng hạn như giảm thuế xăng dầu. Còn tác động bằng chính sách tiền tệ thì làm hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn.

Năm 2022 cũng bộc lộ yếu điểm trong công cụ thực hiện chính sách tiền tệ như thị trường mở, bơm hút tiền, những công cụ tinh xảo để điều tiết lãi suất, tỷ giá, hối đoái gần như chưa được xây dựng và hoàn thiện vững chắc nên có vẻ lúng túng. Chúng ta bơm hút tiền chủ yếu qua kênh mua bán ngoại tệ, trong khi cần xây dựng hệ thống công cụ chính sách tiền tệ hiện đại hơn, số hóa nhiều hơn và nhạy cảm hơn với thị trường.

Theo ông, chính sách tiền tệ cần tập trung vào mục tiêu nào để có thể hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm 2023?

Như chúng ta thấy, những áp lực từ bên ngoài đang giảm dần: lạm phát toàn cầu đang giảm, USD giảm giá, kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt hơn dự báo… Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong năm 2023 là nên giảm lãi suất, giảm mức độ nào thì cần có công thức tính toán.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dưới áp lực lãi suất cho vay rất ghê gớm, làm sụt giảm sức cạnh tranh, nguy cơ bị đẩy lùi ngay tại thị trường nội địa, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Ảnh tác giả

So với doanh nghiệp ở Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu lãi suất cao hơn 13,35%.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Muốn biết lãi suất có cao hay không, phải nhìn vào lãi suất thực, tức là lãi suất đã trừ đi lạm phát. Lãi suất tiền gửi một năm hiện khoảng 9,4%/năm, trừ đi lạm phát bình quân 3,15% thì lãi suất tiền gửi thực dương hơn 6,2%. Lãi suất bình quân kỳ hạn trên 1 năm là 12,5%/năm sau khi trừ đi lạm phát thì ra lãi suất thực là trên 9%/năm.

Trong khi đó, tại Mỹ, lạm phát năm 2022 ước khoảng 8%, lãi suất cho vay khoảng 4%/năm, có nghĩa là lãi suất cho vay thực tại Mỹ đang ở mức âm 4%/năm. Như vậy, so với doanh nghiệp ở Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu lãi suất cao hơn 13,35%. So với châu Âu, lạm phát trên 10%, lãi suất cho vay còn thấp hơn tại Mỹ thì lãi suất của Việt Nam còn cao hơn. Như vậy, đây là lãi suất thực cao nhất thế giới.

Doanh nghiệp nước ngoài không vay ở Việt Nam, không phải chịu mặt bằng lãi suất cao. Trong khi, chúng ta ký hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp FDI cũng được hưởng lợi về thuế quan lớn. Theo chúng tôi tính toán, Việt Nam chỉ tận dụng được 27 - 30% các hiệp định thương mại tự do. Trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ này còn thấp hơn.

Nói điều này ra bởi chúng tôi mong có thái độ cầu thị với việc phục hồi kinh tế trong năm 2023 như thế nào cho hiệu quả. Chúng ta có thể bằng lòng với lạm phát, tỷ giá hối đoái 2022, nhưng 2023 sẽ có thách thức lớn. Tại sao lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, mất giá của đồng Việt Nam thấp nhất thế giới mà lãi suất lại thuộc nhóm đỉnh nhất thế giới?

Vậy, giải pháp để kéo lãi suất giảm xuống có thể là gì?

Lãi suất ở nước ta tăng mạnh thời gian qua không phải do lạm phát hay room tín dụng, mà là do cung tiền. Lãi suất tăng do cung tiền giảm. Vì vậy, muốn kéo lãi suất giảm, thì cung tiền phải tăng lên. Còn room tín dụng chỉ là biện pháp hành chính để chúng ta khống chế tăng trưởng tín dụng của NHNN trên nền tảng cung tiền cố định.

Năm 2022, cung tiền của Việt Nam chỉ tăng hơn 7 - 8%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Điều này có nghĩa là, cung tiền năm ngoái thiếu so với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành. Nói cách khác, Việt Nam đang thiếu lượng tiền lưu thông để tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Sở dĩ trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế không thiếu tiền là do năm 2021, tăng trưởng GDP danh nghĩa chỉ 4,6% (gồm 2,5% tăng trưởng GDP và 1,9% lạm phát), nhưng cung tiền lại tăng tới 11%. Cung tiền năm 2021 tăng mạnh những tháng cuối năm do NHNN tăng mua ngoại tệ, nên đã hỗ trợ cho hai quý đầu năm 2022, giúp nền kinh tế không rơi vào tình trạng nghẽn mạch thanh khoản.

Tuy vậy, bước sang những tháng cuối năm 2022, tình trạng nghẽn mạch này đã xuất hiện. Lượng tiền năm 2022 bơm ra nền kinh tế bị hụt, không thể hỗ trợ cho năm 2023. Đây là điều NHNN cần phải tính toán sớm vì độ trễ của chính sách tiền tệ rất lớn, có thể lên tới 6 tháng đến 1 năm. Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt Nam rất thấp (năm 2022 chỉ khoảng 0,66 vòng/năm, 2021 được 0,6, 2020 được 0,51 trong khi tại Mỹ là 1,6 - 2 vòng/năm).

Ngoài ra, nên nhớ rằng, năm 2022, GDP nước ta tăng 8,02%, nhưng lượng tiền cần cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 không phải là lớn, do dựa trên nền tảng một số quý năm 2021 tăng trưởng âm. Còn năm 2023, dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh của năm 2022, để tăng trưởng 6,5%, nền kinh tế cần lượng cung tiền rất lớn.

Chúng tôi đánh giá rất cao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023, đó là cần linh hoạt, chủ động cân đối giữa các công cụ với nhau. Mục tiêu quan trọng bậc nhất của chính sách tiền tệ là giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý và ổn định tỷ giá hối đoái.

Nhiều ý kiến e ngại tăng cung tiền sẽ đẩy lạm phát lên cao, ông nghĩ sao về điều này?

Cung tiền tăng sẽ đẩy lạm phát tăng lên, nên NHNN phải tính toán ở mức độ hợp lý. Năm nay, Chính phủ đã trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát có thể chấp nhận 4,5%, có nghĩa là chấp nhận lạm phát cao hơn năm ngoái.

Thực tế, tôi cho rằng, lạm phát năm nay có thể khó lên tới mức 4,5%, vì hiện nay, cầu tiêu dùng đang giảm khá nhanh trong nước. Cầu tiêu dùng toàn thế giới cũng giảm nhanh. Kinh tế thế giới khó khăn nhưng thất nghiệp thấp, ở Mỹ thất nghiệp có 3,4%, nghĩa là dân chúng tiết giảm chi tiêu còn ở Việt Nam, cầu thấp do người dân không có để chi tiêu. Ở TP.HCM, chúng tôi khảo sát, nhiều doanh nghiệp lớn giảm tới 30% lao động. Họ phải về nông thôn, mà ở nông thôn thì rất khó có thu nhập để chi tiêu.

Hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn, chúng ta không thể “treo” lãi suất cao như vậy mãi được. Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 1 - 2% là phù hợp. Có nghĩa là, lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6 - 7%/năm là hợp lý.

Đồng thời, không nên phân biệt quá đáng với cho vay bất động sản. Trong điều kiện hiện tại, để bất động sản rơi vào đóng băng như hiện nay, nếu tiếp tục khống chế, cộng với thị trường trái phiếu khó khăn như vậy thì có thể nổ bong bóng và tác động dữ dội đến hệ thống ngân hàng. An ninh tiền tệ là an ninh hệ thống ngân hàng, giữ cho thị trường tài sản phục hồi.

Ông có đề cập đến thị trường tài sản phục hồi để đảm bảo an ninh tiền tệ, giải pháp nào sẽ hỗ trợ hoạt động của các thị trường tài sản?

Chính phủ đang có những động thái ráo riết nắn chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy vậy, tôi cho rằng, trước mắt, cần có ngay những giải pháp để làm dịu tình hình, phục hồi lại lòng tin của các nhà đầu tư và người dân, từ đó phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm dịu tình trạng nợ xấu của các ngân hàng.

Theo đó, đầu tiên, cần phải thanh lọc các doanh nghiệp, dự án tốt và tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, dự án này phát triển, giống như cách Trung Quốc đang làm. Nếu những doanh nghiệp xứng đáng được hỗ trợ phục hồi thì niềm tin của dân chúng sẽ trở lại nhanh hơn.

Tin bài liên quan