Chờ bứt khỏi trạng thái sideway

Chờ bứt khỏi trạng thái sideway

(ĐTCK)  Trong tháng 8, thị trường chứng khoán đã có những đợt bán tháo khá mạnh khiến VN-Index giảm từ vùng 1.280 về 1.180 điểm, nhưng rất nhanh sau đó thị trường có lực cầu trở lại và động lực đến từ nhóm bất động sản, ngân hàng và một vài cổ phiếu trụ.

Trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã vượt lại vùng 1.280 điểm, song thanh khoản ở mức thấp khiến nhiều nhà đầu tư giảm giao dịch, giảm vòng quay vốn. Kịch bản được chờ đợi hơn cả là dòng tiền quay trở lại thị trường trong tháng 9, giúp VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.300. Phải bứt khỏi trạng thái sideway một cách bền vững dòng tiền bên ngoài mới đổ vào tham gia chứng khoán, đưa thanh khoản trở lại 20.000-25.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Nhìn lại thống kê thị trường tháng 9 các năm trước cho thấy tỷ lệ VN-Index giảm giá lớn hơn tăng giá. Trên thị trường tâm lý nghi ngờ vẫn tồn tại ở 2 phe. Trong một cuộc hội thảo gần đây, các chuyên gia của Finn và FIDT cho rằng, định giá thị trường hiện tại không rẻ, nếu trừ nhóm ngân hàng thì P/E nói chung vẫn cao. Còn chuyên gia Dragon Capital khuyến nghị, nếu thị trường có nhịp giảm mạnh hãy mua vào, bởi tiềm năng kênh chứng khoán cuối năm nay là khá hấp dẫn.

Nhìn sang các kênh đầu tư khác, nổi lên hiện tượng giá chung cư tại Hà Nội, đất đấu giá vùng ven Hà Nội tăng mạnh. Liệu có phải tín hiệu ấm lên của thị trường bất động sản? Ghi nhận chung từ thị trường là chưa thể có sự bứt phá của dòng tiền đổ vào kênh đầu tư này, dòng sản phẩm các tỉnh khá trầm lắng, bất động sản nghỉ dưỡng chưa hút khách trừ các dự án có khả năng sinh dòng tiền.

Trên thị trường chứng khoán trước nghỉ lễ cũng từng nhen lên kỳ vọng về sóng nhóm ngành bất động sản. Nhìn lại từ đầu năm đến nay, nhóm này cũng chưa có sóng, nhiều cổ phiếu giảm sâu đến rất sâu từ 30-40% từ đỉnh, thậm chí cá biệt có cổ phiếu giảm 50% từ đỉnh. Nhưng thực tế “tốt lỏi” của doanh nghiệp bất động sản đã cho thấy sóng ngành này không bền, chưa thực sự trở thành con sóng có thể dẫn dắt nhà đầu tư hào hứng tham gia.

Nhìn rộng sang kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản vốn là bên gọi vốn lớn nhất trên thị trường hiện cũng chưa có sự hồi phục trở lại. Bức tranh rõ hơn của kênh đầu tư này được phân tích trong chuyên mục Tiêu điểm số báo cũng cho thấy tâm lý thị trường còn rất dè dặt.

Với cục diện thị trường như vậy, nhiều nhà đầu tư cũng không quá kỳ vọng về khả năng thị trường bứt phá mạnh trong tháng 9. Những thông tin như Fed giảm lãi suất, áp lực tỷ giá giảm chưa đủ để phá vỡ sự thận trọng của dòng tiền. Sự hào hứng chỉ đến khi dòng tiền lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, nhiều mã cổ phiếu trong một khoảng thời gian đủ để tạo niềm tin.

Tin bài liên quan