Chờ bứt khỏi thế giằng co

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, một bức ảnh ngộ nghĩnh được nhiều nhóm chứng khoán chia sẻ, lấy hình ảnh các chú mèo hô nhau “thị trường tạo đáy rồi, ta vào đi”, nhưng chú nọ đùn đẩy chú kia để rồi tất cả đứng yên.

Hình ảnh có vẻ giống với việc thị trường chứng khoán chia thành 2 phe, một bộ phận nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất sẽ khiến USD giảm giá, bớt áp lực lên các đồng nội tệ, và kích hoạt dòng tiền đầu tư lan tỏa trên toàn cầu.

Phe kia đã bán ra, cầm lượng lớn tiền lại đưa ra luận điểm rằng, các dữ liệu trong lịch sử cho thấy thị trường không dễ dàng như thế. Fed cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu và tiền gửi giảm, nhưng dòng tiền lại bất ngờ chảy mạnh vào các tài sản an toàn như các quỹ tiền mặt và rút chạy khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán.

Lý do của nghịch lý này là những lần Fed hạ lãi suất sau một thời gian dài nâng và giữ lãi suất cao, kinh tế Mỹ và toàn cầu thường rơi vào suy thoái. Tâm lý đầu tư chuyển dần từ hưng phấn và tham lam, sang thận trọng, phòng thủ ưu tiên bảo toàn vốn trong suy thoái.

Một số chuyên gia dẫn chứng dữ liệu để bảo vệ cho quan điểm, tỷ trọng phân bổ tài sản vào kênh cổ phiếu cũng như tỷ lệ vay margin tại Mỹ đang ở vùng đỉnh cao lịch sử.

Tình hình cũng tương tự ở nhiều thị trường khác và cả Việt Nam!

Trong khi nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lại cho rằng thanh khoản mỗi phiên như hiện nay không đáng ngại, thông tin từ các CTCK cũng cho thấy không có tình trạng căng margin.

Mặc cho các nhà đầu tư tranh luận, thị trường vẫn vận động theo cách riêng của nó. Trong tuần qua đã có những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận mạnh so với cùng kỳ hoặc có thông tin chắc chắn về lợi nhuận khả quan vẫn có giá cổ phiếu tích cực chẳng hạn như Chứng khoán MBS, Phân bón DDV, BFC, Hóa chất CSV, Lốp xe CSM, Thủy sản ANV, Bất động sản NTL…

Dữ liệu kinh tế quý II/2024 được công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục ở nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng với nền so sánh cùng kỳ thấp. Mục tiêu đặt ra cho nửa cuối năm là rất tham vọng với tăng trưởng GDP hướng đến mức 7% cho cả năm, các động lực tăng trưởng chính như đầu tư công, thị trường bất động sản và tín dụng ngân hàng đang được kỳ vọng có những yếu tố mới để tạo bệ đỡ cho tăng trưởng. Đây cũng là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán phân tích sâu hơn trong Mục Tiêu điểm của số báo tuần này.

Trong nền lãi suất huy động thấp như hiện nay, vẫn có nhiều nhà đầu tư kiên trì nắm giữ cổ phiếu và tìm kiếm cơ hội bỏ vốn vào chứng khoán. Đó chính là dư địa và kỳ vọng để thị trường bứt khỏi thế giằng co như hiện nay.

Tin bài liên quan