Theo dữ liệu của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố, GDP trong quý I/2023 tăng trưởng 4,5%, so với mức tăng 2,2% trong quý IV/2022. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2022.
Trong khi đó, sản lượng chất bán dẫn đã giảm gần 15% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất điện thoại thông minh cũng đã giảm 13,8%, do các thương hiệu nội địa Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng sụt giảm về doanh số bán hàng.
Ngoài việc doanh số bán hàng trong nước giảm sút, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng thúc đẩy các công ty công nghệ tìm kiếm các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Lĩnh vực sản xuất công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam.
Việc chính quyền Mỹ hạn chế thương mại với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng đã hạn chế tham vọng chip của Trung Quốc, vì các nhà sản xuất nội địa không còn khả năng tiếp cận một số công nghệ để chế tạo silicon tiên tiến.
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là động lực tăng trưởng cho ngành sản xuất thiết bị đúc, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2021 khi nước này đặt mục tiêu tự chủ lĩnh vực bán dẫn, theo đánh giá của hiệp hội ngành SEMI.
Trung Quốc từng chiếm gần 30% doanh thu cho các nhà sản xuất máy móc đúc chip, nhưng con số này đã giảm xuống 20% đối với Applied Materials, 24% với Lam Research và 23% với KLA trong kết quả kinh doanh quý IV năm ngoái.
Việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang Đông Nam Á là “bước đi tự nhiên” khi các công ty đều đã hiện diện tại khu vực. Trong quá khứ, khi lĩnh vực chip Mỹ bắt đầu chuyển dịch sản xuất sang châu Á những năm 1960 để giảm thiểu chi phí, các nước Đông Nam Á như Singapore và Malaysia cũng là những sự lựa chọn đầu tiên.
Sản lượng của các máy vi tính như PC giảm mạnh nhất trong số các loại sản phẩm điện tử chính và sự suy giảm sản lượng đồ điện tử đã kéo theo sự sụt giảm của tổng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, khiến tăng trưởng tổng sản lượng công nghiệp trong tháng 3 của nước này còn 3,9%.
Cổ phiếu của Semiconductor Manufacturing International, nhà sản xuất chip lớn nhất trong nước, đã giảm tới 5,5% tại Hồng Kông sau khi dữ liệu được công bố. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã giảm tới 2%.