Chính thức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Mức cao nhất 5.200 đồng/km, thấp nhất 900 đồng/km

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo đó, từ 10/10/2024, có 5 nhóm phương tiện giao thông vận tải phải nộp phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư với mức phí thấp nhất là 900 đồng/xe/km và cao nhất là 5.200 đồng/xe/km.
Chính thức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Mức cao nhất 5.200 đồng/km, thấp nhất 900 đồng/km

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Về điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, Nghị định quy định rõ, đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí gồm:

Đường bộ cao tốc đáp ứng các điều kiện sau đây: Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; Hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; Có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

(Phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này áp dụng mức phí sử dụng đường bộ cao tốc theo mức 1).

Đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

(Phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này áp dụng mức phí sử dụng đường bộ cao tốc theo mức 2).

Có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc, bao gồm:

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 05 nhóm như sau: Nhóm 1 là các xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;

Nhóm 2 gồm các xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;

Nhóm 3 gồm xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;

Nhóm 4 gồm xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet;

Nhóm 5 gồm xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe/km đến 5.200 đồng/xe/km

Theo Nghị định, phí sử dụng đường bộ cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).

Mức phí sử dụng đường bộ cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải quy định như bảng trên.

Căn cứ mức phí quy định nêu trên, mức phí áp dụng đối với từng tuyến, đoạn tuyến cao tốc được xác định cụ thể tại Đề án khai thác tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024.

Trước đó, ngày 27/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đường bộ, trong đó có một trong những nội dung mới là thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư (Điều 50).

Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ 01/01/2025, tuy nhiên Điều 50 và một số điều, khoản khác có hiệu lực thi hành từ 01/10/2024.

Nghị định 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 là nghị định hướng dẫn chi tiết quy định thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư được thể hiện tại Điều 50 của Luật Đường bộ 2024.

Quy định này được coi là giải pháp "lấy cao tốc nuôi cao tốc", do nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay quá lớn trong khi ngân sách còn hạn hẹp.

Theo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc. Nhu cầu vốn đầu tư cần tới khoảng 813 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước đảm đương hơn 239 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của ngân sách hiện rất hạn chế. Ngoài ra, nguồn vốn dành cho quản lý bảo trì đường bộ hiện cũng rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 45% so với yêu cầu.

Điều 50. Phí sử dụng đường cao tốc

1. Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm:

a) Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công;

b) Đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

(trích Luật Đường bộ 2024)

Tin bài liên quan