Chính thức đề xuất quy định mới về sở hữu nhà chung cư

0:00 / 0:00
0:00
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, song Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư.

Thống nhất chính sách với người nước ngoài

Tiếp tục phiên họp thứ 21, chiều 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ở phạm vi điều chỉnh, các giao dịch liên quan đến nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chuyển sang điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản để tránh trùng lắp.

Dự thảo bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm mới, trong đó có ký kết các văn bản huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở; kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar; sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc...

Dự thảo cũng quy định khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở.

Lần sửa đổi này cũng luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật như: nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, yêu cầu về quy hoạch dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời…

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở.

Với một số vấn đề lớn, về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, báo cáo thẩm tra nêu rõ, điều 19 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ (gắn với quyền sử dụng đất); cá nhân người nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.

Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không xác định quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

"Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định của dự thảo Luật liên quan đến sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này, cung cấp thông tin về quá trình thực thi chính sách này trên thực tế, những kết quả đạt được cũng như những điểm vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam", báo cáo thẩm tra nêu.

Không tán thành quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Đáng chú ý ở lần sửa đổi này là Dự thảo bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư, bao gồm quy định xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư thuộc các trường hợp phải phá dỡ, xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu; quy định quyền và trách nhiệm chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, bởi việc thay đổi chính sách từ không quy định thời hạn sang quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.

Hơn nữa, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, có thể dẫn đến hệ quả mất cân đối cung cầu trong lĩnh vực nhà ở, tạo xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.

Theo loại ý kiến thứ nhất, khoản 1 Điều 26 của Dự thảo Luật quy định chủ sở hữu có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư là chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tài sản là nhà chung cư và tài sản là quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư,.

Theo đó, quyền sở hữu tài sản trên đất chấm dứt nhưng quyền sử dụng đất vẫn còn, bởi theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, đất ở chung cư là ổn định lâu dài . Như vậy, quy định của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa khắc phục được khó khăn hiện nay là tình trạng nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ nhưng người dân không chịu di dời để cải tạo, xây dựng lại, do họ vẫn có quyền sử dụng đất và vẫn có thể căn cứ vào đó để “trụ lại” nhà chung cư.

Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định của Dự thảo Luật, bảo đảm có cơ sở pháp lý để xử lý các nhà chung cư hết niên hạn sử dụng một cách có hiệu quả, đặc biệt là các chung cư cao tầng có số lượng căn hộ rất lớn.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không tiếp tục quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong Dự thảo Luật. Vì việc buộc các nhà đầu tư phải phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là chưa thực sự phù hợp với sự vận hành của kinh tế thị trường, nhất là đối với các dự án phát triển nhà ở bằng nguồn vốn tư nhân; quy định này làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở tiềm ẩn cơ chế “xin - cho".

Tin bài liên quan