
Đại biểu Nguyễn Duy Minh tham gia thảo luận - Ảnh: Duy Linh.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án và không quá 12.800 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn.
Góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phân tích, theo quy định tại Điều 17 của dự thảo Nghị quyết, mặc dù thời điểm nhà máy chế tạo bán dẫn đi vào sản xuất trước ngày 31/12/2028 thì chính sách hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư mới được áp dụng nhằm tạo áp lực và động lực cho doanh nghiệp về đích sớm 2 năm là một ý tưởng tốt, tuy nhiên việc xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn đầu tiên của Việt Nam mà với thời hạn như thế này là khá khó thực hiện và mức hỗ trợ 30% là chưa đủ hấp dẫn, đại biểu Minh nhận xét.
Do đó, ông Minh đề nghị quy định doanh nghiệp Việt Nam được chọn một trong hai trường hợp.
Một là doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án sẽ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết ngày 31/12/ 2030 và được hỗ trợ theo các mốc thời gian: 30% vào năm 2030, tăng lên 10% nếu rút ngắn được 1 năm, hỗ trợ 40% vào năm 2029, hỗ trợ 50% vào năm 2028.
Hai là, doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư dự án và cho phép Doanh nghiệp được trích quỹ cao hơn 10% (theo quy định hiện hành) trong một số năm để đầu tư nhà máy với thời hạn nhà máy đi vào sản xuất trước ngày 31/12/2030.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường. |
Từ thực tiễn của địa phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhanh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong tình hình hiện nay, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, đón đầu các công nghệ mới, các công nghệ tương lai thì điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Như không gian làm việc; các phòng trưng bày, triển lãm hiện đại; phòng thí nghiệm (Lab); Phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất thử nghiệm (Lab- Fab)… đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ công tác thiết kế, đào tạo tiến tới xây dựng các nhà máy kiểm thử, đóng gói trong lĩnh vực bán dẫn, AI; các Phòng nghiên cứu công nghệ sinh học; địa điểm thử nghiệm công nghệ mới cùng với các hạ tầng về năng lượng, nước sạch, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, cáp quang, các trạm thu phát sóng 5G, 6G…
Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật Việt Nam chưa có hoặc mới đề cập chung chung, đặc biệt là các trình tự, thủ tục để đầu tư, xây dựng rất rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW - bà Thúy nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung một hoặc một số điều luật. Như, về trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ bằng nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước với vốn ngoài nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác (đầu tư bằng tiền, giá trị tài sản, trang thiết bị máy móc; chi phí quản lý vận hành, bảo trì; tài trợ bằng sản phẩm khoa học công nghệ mua từ nước ngoài, mua của doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ bằng tiền đối với Phòng Lab, Lab-Fab, nhà máy sản xuất quy mô theo yêu cầu của nhà nước…).
Trong đó có quy định giao đất đã giải phóng mặt bằng (đất sạch) bằng hình thức giao đất trực tiếp (không qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và không thu tiền sử dụng đất trong thời gian 10 năm trở lên, sau đó miễn giảm 50% tiền sử dụng đất cho thời gian tiếp theo (nếu như dự án đó có hiệu quả).
Có các hình thức giao thầu chìa khóa trao tay, chỉ định thầu hoặc đấu thầu rút gọn… như các quy định trong dự thảo Nghị quyết về đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư áp dụng như quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Điều 36a Luật Đầu tư) vừa có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.
Về trình tự, thủ tục quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đã đầu tư, đại biểu Thúy đề nghị với tài sản do nhà nước đầu tư toàn bộ được cho tập thể, cá nhân nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thuê không qua đấu giá quyền khai thác sử dụng; miễn giảm tiền cho thuê hoặc cho sử dụng chung phục vụ nghiên cứu, đào tạo…
Với tài sản kết hợp giữa nguồn vốn nhà nước và vốn ngoài ngân sách thì cơ quan nhà nước thực hiện quyền quản lý, chỉ định cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhóm chuyên gia… quyền khai thác sử dụng và chịu chi phí vận hành (Nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí quản lý, vận hành).
Cùng đó, theo đại biểu Thúy, cần có cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn nhà nước hoặc vốn kết hợp nguồn vốn giữa nhà nước với vốn tư nhân theo hướng “Người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước”. Đồng thời, được áp dụng quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về cơ chế thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ hạ tầng do nhà nước đầu tư.