Đồng hành với ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 17,4% trong GDP, nhưng ngành nông nghiệp thu hút trên 50% lực lượng lao động cả nước. Nông nghiệp còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước (kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2015 đạt 30,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu). Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua (2008 - 2013), nông nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố giúp ổn định chính trị - kinh tế ở khu vực nông thôn.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết (FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc…) sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như cà phê, điều, tiêu, gạo và chè, rau quả sẽ có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Mexico, là các quốc gia nhập khẩu khối lượng nông sản lớn trong khối TPP.
TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, kỹ thuật canh tác thấp, các hình thức liên kết chưa phát triển nên chưa hình thành được những chuỗi giá trị nông sản mạnh, có năng lực cạnh tranh cao.
Thị trường trong nước đang đứng trước sự xâm nhập của hàng nông sản nhập khẩu khi thuế quan với nông sản từ nước ngoài vào Việt Nam được cắt giảm mạnh theo các cam kết hội nhập quốc tế. Trong khi đó, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật thương mại và siết chặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, tăng cường minh bạch hóa về nguồn gốc sản phẩm làm ra... của các nước đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng là những thách thức mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện cơ cấu, tổ chức lại sản xuất để phù hợp với tình hình mới, đưa ngành nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện, hiện đại. Nông sản có năng lực cạnh tranh cao, quy mô hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Cụ thể, NHNN đã quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ (Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 7%/năm); Ban hành Thông tư 20/2010 quy định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD có dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm trên 40% tổng dư nợ cho vay của TCTD; Ưu tiên tái cấp vốn đối với các TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao đang gặp khó khăn về nguồn vốn; Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Chương trình kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Vốn là điều kiện cần để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Những kết quả cụ thể
Thời gian qua, tín dụng của ngành ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng tín dụng bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 là 17,39%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,51%).
Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đạt 843.795 tỷ đồng, tăng 13,32% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 18,12% tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện phổ biến ở mức 6 - 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9 - 10%/năm đối với trung dài hạn, thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến 31/12/2015 khoảng 1,54%, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế.
Vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển và có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản tăng bình quân 16,1%/năm. Năm 2015, thu nhập của cư dân nông thôn đạt bình quân 24,4 triệu đồng/năm, gấp 1,9 lần so với năm 2010.
Tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Chính phủ giao NHNN chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các mô hình này phát triển, phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mục tiêu của chương trình cho vay thí điểm là một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong trong sứ mệnh này, mặt khác khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tham gia khi thấy được lợi ích thiết thực từ các mô hình này. Theo đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát, nghiên cứu và xây dựng chính sách để triển khai chương trình.
Ngày 28/5/2014, NHNN đã ban hành Quyết định 1050 về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, nhằm khuyến khích các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế cho vay đặc thù như: lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm (ngắn hạn: 6,5%/năm, trung hạn: 9,5%/năm, dài hạn: 10%/năm). Mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn.
Những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi thì ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng. Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm ngân hàng có thể cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.
Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, NHNN đã lựa chọn 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia chương trình cho vay thí điểm để thực hiện 31 dự án theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2015, tổng số tiền đã giải ngân theo chương trình là 6.601 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.160 tỷ đồng.
Thông qua chương trình, người dân được doanh nghiệp cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào ổn định với chi phí thấp hơn tự mua trên thị trường; được tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý. Người dân được NHTM tạo điều kiện cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn thông thường và được cho vay tín chấp.
Các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết phát triển ổn định về nguồn nguyên liệu, thị trường và lợi nhuận. Nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường; được xem xét vay vốn không cần tài sản bảo đảm. Các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành những vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, giá thành sản phẩm giảm giúp tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài.
Qua đó, các địa phương đã bước đầu hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của CTCP Rau quả thực phẩm An Giang; mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An, tỉnh An Giang; mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá tỉnh Đồng Tháp; mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trường Hoàng, tỉnh Lâm Đồng.
Đánh giá cao những lợi ích đem lại từ việc triển khai Chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời mong muốn góp phần thúc đẩy nhanh, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định 41/2010), trong đó quy định những chính sách tín dụng nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, Nghị định 55 cho phép các TCTD được cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng khách hàng (cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại) lên gấp 1,5 - 2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010, có tính đến các lĩnh vực, sản phẩm đặc thù.
Nghị định 55 cũng quy định chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như quy định mức vay không có tài sản bảo đảm từ 70 - 80% giá trị phương án, dự án sản xuất - kinh doanh; quy định cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), tạo điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và liên kết chặt chẽ với nông dân. Khuyến khích các đối tượng khách hàng tham gia bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, theo đó khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất thông thường. Ngoài ra, khách hàng vay cũng không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản.
Có thể nói, Nghị định 55 ra đời đã tạo bước đột phá trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng “chảy” về nông thôn, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện cơ cấu, tổ chức lại sản xuất đối với ngành nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới.
Phát huy hiệu quả của những chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn để cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành. NHNN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, rà soát để đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh tế.