Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ sẽ theo hướng tích cực chủ động, linh hoạt nhằm dẫn mạch khơi thông dòng chảy vốn tiền tệ, khai thác tối đa nguồn lực nhàn rỗi, ưu tiên đầu tư tín dụng vào lĩnh vực trọng điểm, tập trung hỗ trợ phục hồi sản xuất và và phát triển nền kinh tế.
Ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm. Theo ông, đâu là kết quả trọng yếu nhất mà những giải pháp này đã mang lại?
Trước tiên, tôi muốn đề cập đến câu chuyện điều hành thanh khoản. Thực tế thị trường cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt. NHNN đã phối hợp đồng bộ, hài hòa các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản dồi dào cho thị trường tiền tệ, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) hạ mặt bằng lãi suất, sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.
Cùng với việc đảm bảo thanh khoản của hệ thống, NHNN từng bước điều hành giảm dần và duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp với 3 lần điều chỉnh giảm mạnh lãi suất điều hành trong năm 2020, chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động để hạ lãi suất cho vay ở mức hợp lý, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD giảm thêm 0,7% trong 9 tháng đầu năm 2021, sau khi đã giảm 1% trong năm 2020.
Trong điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát quy mô tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, phù hợp với chỉ tiêu định hướng, rà soát và linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD, ưu tiên đối với các TCTD giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, duy trì và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch.
Trên cơ sở những mục tiêu và thực thi các biện pháp quyết liệt, tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, tập trung đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích hoặc tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát chặt chẽ. Đến cuối tháng 10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 9% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức 6,48% của cùng kỳ năm 2020.
Điều quan trọng suốt từ khi có dịch tới nay, NHNN đã kịp thời điều chỉnh chính sách hoãn, giãn trả nợ gốc, lãi, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bằng việc ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi và kéo dài thời hạn hỗ trợ đến tháng 6/2022. Đây là một chính sách được các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là rất kịp thời, thiết thực, như một liều thuốc tức thì hỗ trợ doanh nghiệp khi dòng tiền bị gián đoạn, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, chưa có khả năng trả nợ ngay những khoản nợ đến hạn trả cả gốc và lãi.
Vấn đề tỷ giá cũng đã được điều hành chủ động và linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác. Thị trường ngoại tệ và tỷ giá từ đầu năm 2021 đến nay diễn biến tương đối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động thương mại quốc tế xuất nhập khẩu nói riêng, tạo sự ổn định tâm lý thị trường và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đối với chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, NHNN đã kịp thời triển khai các gói tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất 0%/năm, không yêu cầu tài sản đảm bảo và tháo bỏ hầu hết các điều kiện vay vốn thông thường, tạo thuận lợi nhất để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất.
Trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, gói tái cấp vốn với quy mô tối đa 7.500 tỷ đồng đã được triển khai và đến ngày 05/11/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn khoảng 749,52 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay; hiện số dư tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại NHNN khoảng gần 750 tỷ đồng
Bên cạnh đó, NHNN cũng triển khai gói cho vay tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), theo đó NHNN tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho VNA vay với tổng số tiền tái cấp vốn đối với các TCTD tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn của chương trình tối đa đến ngày 31/12/2021.
Thời gian tới, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và năm 2022, kết hợp với các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính Phủ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, vừa mở rộng cung ứng vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, lành mạnh thị trường tiền tệ và thị trường tài chính trong ngắn và trung hạn.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã kiến nghị giảm sâu hơn nữa lãi suất cho vay, nhưng thực tế các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên sự hỗ trợ vẫn cần phải có những giới hạn để đảm bảo an toàn tài chính, bên cạnh đó hệ thống ngân hàng là mạch máu nền kinh tế còn cần phải duy trì sức khỏe tốt nhất để đảm bảo lành mạnh thị trường tiền tệ, tài chính, ổn định nền kinh tế. Cân bằng 2 yếu tố này, ngành ngân hàng đã phải làm những gì và đâu là các biện pháp quan trọng nhất trong thời gian tới?
NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Tôi đồng tình với việc đặt ra vấn đề này của phóng viên vì đây là những vấn đề rất quan trọng, chúng tôi luôn quan tâm, là vấn đề không dễ trong thực tế điều hành thời gian qua. Như chúng ta đều biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng, nhiều mặt lên đời sống người dân, sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và dịch vụ, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động vào cuộc, triển khai hiệu quả và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cụ thể:
Thứ nhất, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản trên thị trường tiền tệ, hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn để có điều kiện tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ ba, điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
Thứ tư, khẩn trương triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Thứ năm, triển khai các chương trình cho vay có tính an sinh xã hội hỗ trợ một số đối tượng doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ đại dịch Covid-19 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Thứ sáu, điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo phù hợp với các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ bảy, triển khai các giải pháp để miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh những giải pháp mà ngành ngân hàng đã và đang thực hiện để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân trong phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế, hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đại dịch. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay trả nợ ngân hàng, rủi ro nợ xấu phát sinh, gia tăng nếu khó khăn kéo dài và không được tháo gỡ kịp thời. Chu chuyển vốn và vòng quay tín dụng chậm lại do doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, sản xuất cầm chừng và tiêu thụ hàng hóa khó khăn, sức tiêu thụ của nền kinh tế trong và ngoài nước bị ảnh hưởng do cách ly phòng chống dịch…từ đó ảnh hưởng khá nhiều, trực tiếp, gián tiếp đến hiệu quả hoạt động tín dụng của TCTD…
Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là điều vô cùng quan trọng để sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất.
Theo đó, trong điều hành NHNN, chúng tôi đã đã có những chỉ đạo, những chính sách với các TCTD phải chú trọng đến việc đảm bảo thanh khoản, duy trì năng lực tài chính trong ngắn và trung hạn. Hạ lãi suất cho vay nhưng không được hạ chuẩn tín dụng, hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình từ việc tiếp tục giảm chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận trên quan điểm đồng hành, hỗ trợ.
Ngay trong chính sách tái cơ cấu nợ theo Thông tư 01, 03 và 14 đã được ban hành thì cũng được thiết kế bảo đảm 2 yêu cầu vừa tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ cấu giãn hoãn các khoản nợ nhưng vừa yêu cầu các TCTD phải đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, phân loại nợ theo thực trạng khoản nợ, không được giấu nợ xấu, đảo nợ… Chúng tôi cũng tăng cường giám sát việc trích lập dự phòng rủi ro, phân loại nợ để đảm bảo nợ xấu được phản ánh khách quan, lợi nhuận NHTM phải đảm bảo thực chất.
Thời gian tới, những chính sách và chủ trương này được thực hiện một cách tích cực hơn, được gắn vào các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, được theo dõi đánh giá và kịp thời điều chỉnh những vướng mắc khó khăn phát sinh đảm bảo mục tiêu hài hòa vừa hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, nền kinh tế bằng nguồn lực của chính ngân hàng, vừa đảm bảo an toàn hoạt động và lành mạnh tài chính của từng TCTD cũng như cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Một vấn đề mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt chính là rủi ro nợ xấu do doanh nghiệp mất khả năng trả nợ bởi tác động của đại dịch. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 14 cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ cũng như trích lập dự phòng rủi ro, nhưng để xử lý nợ xấu một cách căn cơ nhất vẫn là phải phục hồi lại sức khỏe doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp từ ngành ngân hàng, theo Phó Thống đốc, đâu là các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi khi chúng ta thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”?
Kể từ ngày 23/01/2020 (ngày Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên), NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01). Trên cơ sở đó, thông qua việc theo dõi sát diễn biến của các đợt dịch tiếp theo tại Việt Nam, NHNN đã hai lần sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 bởi các Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 để đảm bảo đồng thời các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống TCTD xuất phát từ việc Thông tư 01 tạm thời cho phép TCTD giữ nguyên nhóm nợ và không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, không để tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ này làm méo mó thị trường tín dụng, làm sai lệch thực trạng nợ xấu và gây rủi ro cho hệ thống các TCTD.
Nợ xấu của các TCTD tức là nợ xấu của nền kinh tế hiện nay có xu hướng tăng lên, đây là điều dễ hiểu bởi hậu quả của tác động dịch bệnh trong gần 2 năm qua. Đúng là muốn kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu thì phải làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường. Điều đó phụ thuộc vào nhiều chính sách, cơ chế hợp lý tích cực sớm được ban hành, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực. Trong đó chính sách tài khóa, chính sách đầu tư công, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách về lao động, thị trường, đất đai…phải được triển khai tích cực, nhanh chóng, đồng bộ, các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của xã hội được khai thác triệt để tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm, nhất là nguồn vốn đầu tư công cho các công trình cơ sở hạ tầng.
Về phía chính sách tiền tệ cũng sẽ được bám sát, phối hợp cùng các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo tăng cường nguồn lực vốn bằng tiền thông qua hoạt động tín dụng, hoạt động thanh toán, hoạt động hối đoái…để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường sớm phục hồi và tiếp tục phát triển.
Ngoài các chính sách cơ chế nói trên, cũng rất cần một khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp, TCTD tự thích ứng với thực trạng, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam. Ngay cả khi sẵn sàng chấp nhận diễn biến phức tạp như đợt dịch thứ 4 vừa qua để các doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh với tinh thần tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn không bị giãn cách đứt đoạn sản xuất lưu thông thì phải có các biện pháp rõ ràng thống nhất trong cách phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương, kể cả cấp tỉnh, huyện, xã, như vậy mới thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trong thời gian tới, với kinh nghiệm có được, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình, mức độ diễn biến của dịch Covid-19 để nghiên cứu và kịp thời đề xuất, ban hành những giải pháp sao cho phù hợp và hiệu quả nhất của hoạt động thị trường tín dụng.
Nhìn rộng ra hoạt động kinh tế thế giới, câu chuyện Evergrande tại Trung Quốc và việc Ngân hàng trung ương nhiều nước đang rút bớt các gói kích thích kinh tế tạo ra những biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Việt Nam sẽ có những giải pháp nào để giảm thiểu các tác động từ những sự biến động này thời gian tới?
Sự kiện Evergrande không có nhiều tác động trực tiếp đến Việt Nam song đây cũng là bài học cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong phát triển lĩnh vực xây dựng, bất động sản và quản lý tín dụng bất động sản. NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, khách hàng có dư nợ lớn, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, ổn định hệ thống.
Việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gia tăng xu hướng thu hẹp các giải pháp nới lỏng tiền tệ có thể tạo ra các biến động phức tạp về dòng vốn quốc tế, tạo áp lực lên thị trường tài chính, tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố đặc thù giúp hạn chế tác động này như niềm tin vào Việt Nam đồng đã được củng cố trong những năm qua nhờ Chính phủ kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, chống đô-la hóa nền kinh tế; dòng vốn quốc tế vào Việt Nam vẫn tích cực nhờ triển vọng kinh tế trung dài hạn, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng với các FTAs đã ký.
NHNN sẽ theo dõi sát về xu hướng, động thái của của các ngân hàng trung ương chủ chốt, đặc biệt là khả năng, thời điểm, lộ trình mà các nước này giảm dần nới lỏng các biện pháp tiền tệ; trên cơ sở đó, xây dựng và triển khai các phương án, chính sách phù hợp trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ để đối phó, thích ứng với những tác động của thị trường tiền tệ thế giới.
Thời gian tới, các chính sách cung ứng tiền, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, chính sách lãi suất, tỷ giá, ngoại tệ, chính sách đầu tư mở rộng tín dụng cho nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh... Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quán xuyến chặt chẽ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ, đồng thời chú trọng các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đến quá trình thực hiện mục tiêu và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong nước.