Hiện tại, cần xem ổn định kinh tễ vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Hiện tại, cần xem ổn định kinh tễ vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Chính sách tiền tệ thận trọng, không nôn nóng

(ĐTCK) Dịch Covid-19 bùng phát đã buộc nhiều quốc gia trong khu vực phải nới lỏng tiền tệ, cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn giữ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng để ổn định vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Thế khó của tiền tệ

Không phủ nhận là dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,8% đã đề ra trong năm nay nhiều khả năng khó có thể thành hiện thực.

Theo các kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tăng trưởng năm nay cao nhất cũng chỉ ở mức 6,27%.

Trong bối cảnh đó, không ít ý kiến đề nghị chính sách tiền tệ nên được nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế như nhiều nước trong khu vực đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế của Việt Nam có phần khác so với những quốc gia này.

Đơn cử, lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trong những tháng gần đây, nguyên nhân một phần cũng bởi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trong nửa cuối năm 2019 để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất của CPI tháng 1 trong 7 năm gần đây.

Trong đó, lạm phát cơ bản tháng 1 cũng tăng tới 0,76% so với tháng liền trước và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn đáng kể so với mức tăng của lạm phát cơ bản tháng 1 mấy năm gần đây.

Cơ quan này cũng đưa ra 2 kịch bản lạm phát trong năm 2020 và ngay cả với kịch bản tích cực nhất thì lạm phát bình quân năm nay cũng tăng 3,96%, còn với kịch bản xấu thì có thể tăng tới 4,86%.

Rõ ràng, với áp lực lạm phát lớn như vậy, việc nới lỏng tiền tệ chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc nới lỏng tiền tệ không thể giải quyết được những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra, bởi dịch bệnh này tác động nhiều hơn tới cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước, cụ thể là nông sản xuất khẩu và du lịch. Vì vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không thể kích thích việc tiêu thụ hàng hoá.

Ổn định để tăng trưởng bền vững

Phát biểu tại buổi họp tháng 2/2029 của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng cho biết, chúng ta không nôn nóng thắt chặt chính sách tiền tệ để xử lý vấn đề lạm phát, nhưng cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát.

“Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ là thận trọng, nhưng phải phù hợp để không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Phải giữ nền tảng ổn định vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng không chỉ cho năm nay, mà còn tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3… cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

Đồng tình với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần rất thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ.

“Thứ nhất bởi áp lực lạm phát năm 2020 tương đối lớn, nếu không khéo kiểm soát có thể vượt mức 4%.

Thứ hai, hiện nay, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế khá yếu, có giảm lãi suất cũng không kích được cầu tín dụng, nên giảm lãi suất vừa không trúng, vừa không đúng.

Thứ ba, khó khăn lớn nhất của người dân, doanh nghiệp hiện nay liên quan đến dòng tiền và thanh khoản, nên việc giảm lãi, giãn hoãn trả lãi không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho khách hàng vay mới… là biện pháp phù hợp và cần thiết”, ông Lực phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dịch Covid-19 nhiều khả năng chỉ là một cú sốc tạm thời, không nên vì điều này mà thay đổi lập trường chính sách tiền tệ.

Thậm chí, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì ổn định kinh tễ vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần được xem là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải tăng trưởng.

Tin bài liên quan