Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu
Kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015, tuy nhiên, không kỳ vọng có một sự thay đổi lớn về bức tranh kinh tế vĩ mô. Bởi chúng ta cần phải nhìn nhận nền kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục trải qua thời kỳ phục hồi kinh tế rất chậm chạp. GDP tăng trưởng chậm cùng với lạm phát thấp hơn mục tiêu là hình ảnh thường thấy của các nền kinh tế phát triển.
Hiện tượng này cũng diễn ra tại rất nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại song phương đã và đang được ký kết cộng với kỳ vọng về TPP sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015.
Chính sách tiền tệ nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định. Bên cạnh đó cũng có những rủi ro nhất định đó là địa chính trị và rủi ro môi trường, rủi ro liên quan đến quản lý của doanh nghiệp vẫn yếu kém, cần cải tổ.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính - ngân hàng Đại học mở TP. HCM
Với những lý do đó, chính sách tiền tệ trong năm 2015 của NHNN sẽ phải chốt rất nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện tái cơ cấu. Mặc dù, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thận trọng, nhưng có thể nới lỏng một chút vì tín dụng trong năm nay của ngành không phải tăng cao.
Sức cầu yếu của nền kinh tế chưa được cải thiện, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, do đó, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tồn kho mà chưa nghĩ đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, niềm tin của doanh nghiệp về sự phục hồi của nền kinh tế tương đối mong manh, nên chưa dám mạnh dạn đầu tư mà chủ yếu ở tư thế phòng thủ, chờ đợi những tín hiệu tích cực và rõ nét hơn về một chu kỳ phục hồi, tăng trưởng.
Mặt khác, việc xử lý nợ xấu của ngân hàng còn chậm và chưa đạt kết quả như mong muốn, việc cơ cấu lại nợ, bán nợ xấu cho VAMC, công tác quản trị rủi ro tín dụng tại một số TCTD còn lúng túng chưa hiệu quả do sức ép từ trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu dồn tích từ các năm trước để lại cũng khiến tín dụng khó tăng. Do vậy, dù NHNN đã tích cực xử lý nợ xấu của các ngân hàng thông qua VAMC, nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải.
Các gói kích cầu đưa ra cũng có những nút thắt, chẳng hạn như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực bất động sản dành cho doanh nghiệp và cá nhân. Theo kế hoạch năm 2014, gói hỗ trợ này sẽ phải giải ngân 50 - 60% nhưng cho đến nay mới chỉ giải ngân được 14,2%. Nguyên nhân được xác định là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại còn thiếu, nhiều thủ tục vướng mắc khi các địa phương xác định tình trạng nhà ở, quy định còn tương đối “cứng” nên doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này để đầu tư thêm dự án nhà ở xã hội
NHNN đang nới lỏng tín dụng để doanh nghiệp có thể dễ dàng vay vốn và giải quyết bài toán thanh khoản, song do sức mua thị trường còn yếu nên tín dụng khó tăng cao.
Cho vay ra khoảng 9 - 10%/năm đối với vốn trung, dài hạn là các ngân hàng cũng đã có cơ hội kiếm lời - Ảnh: Lê Toàn
Xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn
VAMC đi vào hoạt động được xem là cứu cánh của các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Đáng chú ý là các nhà băng sau hợp nhất, sáp nhập và mua lại, tỷ lệ nợ xấu luôn vượt qua ngưỡng an toàn 3%, thậm chí còn lên đến 7 - 9%/năm. Vì thế, việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC được xem là giải pháp giúp ngân hàng làm sạch bản cân đối tài sản trước khi lên kế hoạch gọi thêm vốn từ cổ đông ngoại, đẩy mạnh tái cơ cấu.
Tuy VAMC ra đời đã mua được lượng lớn nợ xấu khổng lồ từ các NHTM. Tính đến cuối năm 2014, con số nợ xấu VAMC mua được đạt trên 130.000 tỷ đồng và dự kiến mua thêm 80.000 tỷ đồng trong năm nay sau khi được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, nhưng đầu ra của nợ xấu khó khăn.
Chỉ kỳ vọng bất động sản hồi phục thì mới có thêm điều kiện để phát mãi tài sản, thu hồi nợ xấu. Ngân hàng đang xếp hàng bán nợ cho VAMC, với kỳ vọng làm sạch bảng cân đối tài sản trước để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu. Nhưng thực tế, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, gánh nặng vẫn thuộc về ngân hàng, xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn.
Liệu các ngân hàng có trút được gánh nặng sau khi bán nợ xấu? Theo quy định, sau khi bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho loại trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Đồng thời, loại trái phiếu đặc biệt mà các ngân hàng nhận được sau khi bán nợ xấu cho VAMC có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 0%/năm, nếu sau 5 năm khoản nợ xấu đó không được xử lý, các nhà băng sẽ phải mua lại bằng chính trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trước đó.
Mặt khác, sau khi mua nợ, VAMC sẽ ủy thác lại ngân hàng thực hiện những vấn đề như: phân loại nợ để tái cơ cấu nợ, hỗ trợ doanh nghiệp có nợ xấu. VAMC không trực tiếp thực hiện mà sẽ chỉ đạo cho ngân hàng thực hiện thông qua chủ trương của họ. Với hệ thống, bộ máy của các NHTM, lãnh đạo của nhiều ngân hàng kỳ vọng, việc tái cơ cấu nợ xấu sẽ có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi thị trường mua – bán nợ xấu chưa được hình thành, thị trường bất động sản đóng băng khó phát mãi tài sản đảm bảo thì việc xử lý nợ xấu sẽ khó thành công. Không chỉ với ngân hàng mà ngay cả VAMC cũng không thể đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu khi thị trường mua bán nợ chưa được hình thành.
Hiện các ngân hàng đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu thu hồi nợ, nhưng giải pháp chủ yếu là sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền và bán nợ xấu cho VAMC. Còn với việc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay được xem là không có lối ra.
Tăng tín dụng đòi hỏi lãi suất giảm thêm
Nợ xấu chưa được xử lý cũng chính là rào cản đối với tín dụng. Đồng thời, lãi suất cho vay, nhất là vốn trung, dài hạn vẫn được xem là áp lực đối với doanh nghiệp.
Mặc dù mặt bằng lãi suất đã được điều chỉnh giảm dần trong thời gian qua, song để có thể kích được cầu tín dụng cần đẩy mạnh xử lý và giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn. Vì thực tế, lãi suất đầu vào đã giảm xuống mức thấp, trần hiện chỉ còn 5,5%/năm và thực tế, các ngân hàng còn huy động kỳ hạn ngắn dưới mức này.
Từ đó, sẽ tiết giảm được chi phí trong hoạt động là điều kiện tốt để giảm lãi suất đầu ra, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thể kích cầu được tăng trưởng tín dụng trước tình hình hoạt động cho vay không thuận lợi hiện nay.
Tình hình kinh tế năm 2015 được dự báo có chiều hướng hồi phục, song nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn chưa cao. Do vậy, để có thể khơi thông được dòng chảy vốn cần phải giảm thêm lãi suất, nhất là với lãi suất trung, dài hạn giảm ít nhất thêm 1 - 1,5%/năm so với hiện nay.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay là 13 - 15% được cho là không khó để đạt được, nhưng quan trọng là nguồn vốn phải vào lĩnh vực sản xuất. Bởi thực tế hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp có nhu cầu, nhưng không thể tiếp cận được vốn vay của ngân hàng đầu tư sản xuất - kinh doanh. Nhưng do sức mua của thị trường còn yếu, tồn kho nhiều nên các doanh nghiệp có sức khỏe tốt vẫn chưa đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế, nhu cầu vốn của họ cũng chưa gia tăng nhiều.
Nhưng để kích cầu được tín dụng cần thiết giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là với vốn trung, dài hạn, cho dù dư địa giảm lãi suất đầu vào dự báo không còn nhiều.
Với mặt bằng lãi suất huy động 5,5 - 6%/năm hiện nay thì cho vay ra khoảng 9 - 10%/năm đối với vốn trung, dài hạn là các ngân hàng cũng đã có cơ hội kiếm lời. Đó là chưa kể các khoản vốn cho vay cá nhân, nhất là vay tiêu dùng biên lợi nhuận trong cho vay còn cao hơn rất nhiều. Với hoạt động ngân hàng trước tình hình thị trường khó khăn, tín dụng không thể tăng nhanh cũng không nên kỳ vọng lợi nhuận cao mà nên chia sẻ cùng doanh nghiệp.