CPI quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước

CPI quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước

Chính sách tiền tệ nới lỏng, song cần thận trọng và linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chính sách tiền tệ của Việt Nam chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng đã có tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, nhưng hiệu quả của chính sách này gần đây suy giảm, đòi hỏi sự linh hoạt nhằm ứng phó với những biến động khó lường từ kinh tế thế giới.

2022: Lãi suất tăng

Từ ngày 23/9/2022, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước đã đảo ngược chính sách giảm lãi suất điều hành áp dụng từ 2 năm trước đó do tác động của dịch Covid-19. Tình hình kinh tế - tài chính thế giới có nhiều biến động khiến chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất cho vay của Việt Nam không thể tiếp tục thực hiện.

Lạm phát ở các nước phát triển, đồng thời là những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam như Mỹ và EU tăng vọt lên khoảng 10%, buộc các nước này phải tăng mạnh lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Theo đó, nhiều nước đang phát triển cũng phải tăng lãi suất điều hành để ngăn dòng vốn chảy ra, đảm bảo ổn định cán cân thanh toán.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, ổn định cán cân thanh toán luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, mặc dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát dưới mức Quốc hội cho phép, song việc tăng lãi suất điều hành là cần thiết, không phải nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, mà nhằm mục tiêu lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng lưu ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cơ bản làm cho USD lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ số USD-Index tăng vọt lên trên 110 điểm, khiến nhiều quốc gia phải phá giá nội tệ một cách chủ động, thậm chí lên đến hàng chục phần trăm. Trong bối cảnh đó, sức ép giảm giá của VND ngày càng lớn. Để giảm áp lực cho chính sách tỷ giá hối đoái và bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất điều hành là một lựa chọn sáng suốt và hợp lý, cho thấy sự phối hợp tốt giữa chính sách lãi suất với chính sách tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, lãi suất điều hành tăng còn đồng bộ với chính sách tín dụng nỗ lực duy trì tốc độ tăng tổng hạn mức tín dụng năm 2022 khoảng 14%, đi đôi với thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng.

GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023, song áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% cả năm 2024 vẫn nặng nề.

Bên cạnh đó, việc chọn thời điểm 2 lần tăng liên tiếp lãi suất điều hành vào cuối quý III và đầu quý IV/2022 chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đã tính toán kỹ về độ trễ tác động của chính sách tiền tệ. Chính sách này không chỉ hướng tới thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát quý cuối năm 2022, mà quan trọng hơn là thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều bất ổn, với nguy cơ lạm phát cao và suy thoái kinh tế.

Từ quý IV/2022, do áp lực lạm phát và tỷ giá hối đoái gia tăng nên chính sách tiền tệ duy trì tình trạng thắt chặt, kết quả là đến cuối năm 2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng vỏn vẹn 3,85% so với cuối năm 2021 và huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 5,99%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87%. Lãi suất tăng đã gây không ít khó khăn về thanh khoản và vốn cho cả các tổ chức tín dụng lẫn các doanh nghiệp.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số tháng 12/2022 tăng 4,55% so với tháng 12/2021 và CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15%, với lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,59% so với năm 2021, song lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng tới 4,99% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung cho thấy nguy cơ lạm phát tiền tệ tăng cao, nên việc thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết và cấp bách.

Mặc dù chính sách tiền tệ đến quý IV/2022 mới thắt chặt, song nền kinh tế năm 2022 khởi động với tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,05%, sang quý II tăng 7,83% và quý III tăng vọt tới 13,71%, giúp tăng trưởng cả năm thiết lập mức 8,02% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Hiếm khi áp lực tăng tỷ giá hối đoái cùng với giá vàng lại đến cùng lúc

Hiếm khi áp lực tăng tỷ giá hối đoái cùng với giá vàng lại đến cùng lúc

2023: Nới lỏng chính sách tiền tệ

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ với lãi suất cao, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chững lại với GDP chỉ tăng 3,32% (trước điều chỉnh) so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%).

Trước bối cảnh đó, ngày 14/3/2023, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái ổn định là điều kiện quan trọng để chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Đến ngày 23/3/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.615 VND/USD, chỉ tăng 0,01% so với cuối năm 2022, thậm chí tỷ giá niêm yết mua - bán của Vietcombank ở mức 23.330 - 23.670 VND/USD, giảm 0,21 - 0,25% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao, với CPI quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 và lạm phát cơ bản tăng 5,01%, nên Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương án nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều lần.

Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất, với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm: (1) Giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng; (2) Giảm 0,5 - 1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng; (3) Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Nhờ vậy, đến cuối quý II/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).

Chính sách nới lỏng tiền tệ năm 2023 cho thấy những chuyển động rõ nét, tác động tích cực tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tính đến ngày 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,3%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,97%), tăng trưởng tín dụng đạt 3,58% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,51%); tỷ giá hối đoái ổn định với tỷ giá trung tâm (ngày 22/6/2023) ở mức 23.732 VND/USD, tăng 0,51% so với cuối năm 2022.

Còn tính đến ngày 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022 (năm 2022 tăng 3,85%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85% (năm 2022 tăng 5,99%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09% (năm 2022 tăng 12,87%); mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,3 - 10,5%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm.

Nhờ GDP quý IV/2023 tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng quý IV giai đoạn 2012 - 2013, 2020 - 2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%) nên kinh tế cả năm 2023 tăng 5,05%.

Đặc biệt, tuy nới lỏng chính sách tiền tệ song kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được sự ổn định và lạm phát được kiểm soát tốt. Đến ngày 25/12/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.895 VND/USD, chỉ tăng 1,2% so với cuối năm 2022, còn CPI cả năm 2023 tăng 3,25%. Riêng lạm phát cơ bản năm 2023 là 4,16%, chứng tỏ nguy cơ lạm phát tiền tệ vẫn hiện hữu.

2024: Chính sách cần thận trọng và linh hoạt

GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023 song áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% cả năm 2024 vẫn nặng nề, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi.

Trong khi đó, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ từ năm 2023 suy giảm rõ rệt khi đến ngày 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).

Trong tháng 2/2024, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, từ 2,2 - 3,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, từ 5,3 - 5,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, từ 6,8 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, từ 6,9 - 7,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng; còn lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7 - 9,9%/năm.

Bên cạnh đó, áp lực tăng tỷ giá hối đoái cùng với giá vàng khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô lại được đưa vào vị trí ưu tiên trong năm 2024. Tỷ giá trung tâm ngày 25/3/2024 ở mức 24.015 VND/USD, tăng 0,62% so với cuối năm 2023, song tỷ giá niêm yết mua - bán của Vietcombank ở mức 24.570 - 24.940 VND/USD, tăng 2,13 - 2,16% so với cuối năm 2023.

Trong tháng 3/2024, chỉ số giá USD tăng 1,81% so với tháng 12/2023 và tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 9,41% so với tháng 12/2023 và tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 18,23% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, CPI quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,81%, cho thấy áp lực lạm phát tiền tệ đã giảm nhiều so với giai đoạn 2022 - 2023.

Nhìn chung, mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và điều kiện bất lợi từ kinh tế thế giới, song chính những lựa chọn chính sách quyết đoán, sáng suốt, kịp thời và hợp lý như điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt rồi nới lỏng với liều lượng thích hợp cùng thời điểm chuẩn xác đã, đang và sẽ củng cố niềm tin vào khả năng biến mục tiêu thành hiện thực.

Năm 2024, chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng cần tiếp tục điều hành theo hướng nới lỏng nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, song không thể thiếu sự thận trọng và linh hoạt nhằm ứng phó với những biến động khó lường từ kinh tế thế giới cũng như từ biến động tỷ giá hối đoái, luân chuyển dòng tiền và giá cả.

Tin bài liên quan