Rót tiền vào chứng khoán, bất động sản lúc này có rủi ro như thế nào, theo ông?
Kênh đầu tư chứng khoán hiện nay đang thu hút NĐT, nhiều NĐT cũ đã rời thị trường giai đoạn 2011 - 2012 nay đã quay trở lại. So với kênh gửi tiết kiệm thì chứng khoán và bất động sản có độ rủi ro cao hơn, nhưng được bù đắp bởi tỷ suất lợi nhuận tốt hơn. Khi tham gia TTCK, các NĐT có nhiều lựa chọn, với tỷ suất sinh lời tương ứng mức độ chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, các NĐT có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách tham khảo tư vấn của các chuyên viên môi giới, hoặc tham khảo báo cáo phân tích của CTCK trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Lãi suất tiết kiệm giảm có khiến nguồn tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản?
Điều này tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm đầu tư ở các kênh đầu tư khác. Đa phần NĐT chọn hình thức gửi tiết kiệm lâu dài đều ngại rủi ro hoặc ít có kinh nghiệm trong các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Do đó, trước việc lãi suất tiết kiệm giảm xuống thấp như hiện nay, họ thường xem xét lãi suất của ngân hàng nào cao nhất và chuyển sang gửi ở đó. Ngược lại, đối với các NĐT chấp nhận rủi ro và có kinh nghiệm ở các kênh đầu tư khác thì khó có thể chấp nhận mức lãi suất tiết kiệm thấp.
Thông tư số 05/2014/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành có quy định hạn chế vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) gửi tiết kiệm. Theo ông, quy định này liệu có ảnh hưởng đến dòng vốn FII vào Việt Nam?
Thông tư số 05 quy định, vốn FII vào Việt Nam chỉ được thực hiện bằng VND và điểm đáng chú ý là số dư trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của NĐT nước ngoài có thể được chuyển sang thanh toán bằng tiền đồng, nhưng không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.
Tôi nhận thấy, phần lớn nguồn vốn FII vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu đổ vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu hoặc các loại hình đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao khác thông qua các quỹ đầu tư. Trong khi chờ giải ngân vào các dự án đầu tư, các quỹ đầu tư này thường để lượng tiền mặt nhàn rỗi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm, nhưng kỳ hạn gửi chủ yếu là ngắn hạn, nhằm tối đa lợi nhuận, chứ không kỳ vọng lãi suất. Vì thế, tôi cho rằng, Thông tư 05 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FII vào Việt Nam. Bởi việc thu hút dòng vốn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô khác. Mặt khác, lãi suất tiết kiệm hiện nay đã giảm xuống mức khá thấp.
Có nghĩa là dòng vốn FII sẽ tiếp tục hướng vào Việt Nam?
Hiện TTCK Việt Nam vẫn thu hút NĐT nước ngoài. Trong 3 tháng đầu năm, các NĐT nước ngoài mua ròng gần 2.300 tỷ đồng, tương đương 108 triệu USD, so với tổng lượng mua ròng xấp xỉ 323 triệu USD năm 2013. Từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng khoảng 20%, HNX Index tăng khoảng 30%, so với các thị trường khác trong khu vực thì đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.
TTCK thời gian qua được hỗ trợ bởi các yếu tố như: NHNN hạ lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất huy động, khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng… Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các chỉ tiêu tài chính và tiền tệ được cải thiện đã hỗ trợ tâm lý đầu tư. Ngoài ra, NHNN đẩy mạnh cung tiền ra thị trường một cách gián tiếp thông qua trái phiếu VAMC phát hành. Bên cạnh đó, Hiệp định TPP kỳ vọng được ký kết trong năm nay, tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Tỷ trọng xuất khẩu sang 5 nước thành viên của TPP dự kiến được miễn thuế gồm: Mỹ, Canada, Mexico, Chile, Peru chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu, nên Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các quốc gia này nhiều hơn so với từ các nước thành viên khác.
Xin cho biết dự báo của ông về TTCK Việt Nam trong ngắn hạn?
Tôi nhận thấy, xu hướng TTCK Việt Nam trong ngắn hạn vẫn khá tích cực. Một trong những thông tin hỗ trợ mạnh cho thị trường là NHNN đã ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tâm điểm của Thông tư 09 là việc lùi thời hạn phân loại nợ đến ngày 1/4/2015, qua đó cho phép các ngân hàng có thêm thời gian để tiến hành xử lý nợ xấu, làm giảm áp lực gia tăng trích lập dự phòng trong ngắn hạn của hệ thống ngân hàng.
Vậy theo ông, lúc này, NĐT nên chọn danh mục cổ phiếu đầu tư như thế nào?
Để hạn chế rủi ro, nhưng duy trì được lợi nhuận phù hợp, các NĐT nên tăng tỷ trọng danh mục đầu tư vào các mã blue-chip có kết quả kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng cao; hạn chế giải ngân vào các mã thị giá thấp, đầu cơ, lướt sóng.