Sự cố vừa xảy ra đối với cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy cuộc tranh luận trên thị trường tài chính về khả năng mất hỗ trợ đối với chính sách tiền tệ siêu dễ dàng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Cựu Thủ tướng Abe được biết đến là người ủng hộ chính cho chính sách của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda về việc duy trì lãi suất ở mức đáy để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một số chiến lược gia cho rằng, đồng yên có thể kéo dài đà tăng và chứng khoán có thể giảm nếu sự cố chấn động mới đây đẩy nhanh việc xem xét lại chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Các nhà kinh tế phần lớn cho rằng bất kỳ tác động nào cũng chỉ là tạm thời.
Diễn biến đồng yên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ |
Cựu Thủ tướng Abe đã chọn ông Haruhiko Kuroda vào vị trí thống đốc ngân hàng trung ương vào năm 2013 khi ông ra mắt nền tảng “Abenomics” để vực dậy nền kinh tế đang phát triển của Nhật Bản thông qua việc nới lỏng tiền tệ chưa từng có, chi tiêu tài khóa linh hoạt và cải cách quy định. Những chính sách đó phần lớn vẫn được duy trì ngay cả sau khi ông từ chức vào mùa hè năm 2020 trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe.
Lập trường ngoại lệ của BOJ so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang chạy đua để tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát đã góp phần khiến đồng yên trượt mạnh xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng đô la.
Dưới đây là một số nhận xét từ những người tham gia thị trường về ảnh hưởng của sự cố tấn công vừa xảy ra đối với thị trường tài chính:
Tetsuo Seshimo, giám đốc danh mục đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Saison cho biết: “Ông Abe có một hình ảnh mạnh mẽ dưới thời Abenomics và đã ủng hộ Thống đốc Kuroda. Tuy nhiên, ông Abe hiện không phải là Thủ tướng và điều này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách kinh tế và tiền tệ. Vụ việc gây sốc này có thể có tác động ngắn hạn và không nhất thiết có tác động lớn đến thị trường trong thời gian dài".
Trong khi đó, Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities cho biết: “Điều này có thể có tác động trong trung và dài hạn, và thị trường sẽ chứng kiến sự tăng giá đáng kể của đồng yên và sự sụt giảm của giá cổ phiếu”.
Còn theo Hidetoshi Ohashi, Giám đốc chiến lược tín dụng tại Mizuho Securities: “Thị trường đã nghĩ rằng BOJ sẽ không thể tăng lãi suất trong khi ảnh hưởng của ông Abe rất mạnh và từ bây giờ, có thể có suy đoán rằng BOJ có thể linh hoạt hơn trong chính sách”.
Chiến lược gia Shinichiro Kobayashi từ Mitsubishi UFJ Research & Consulting cho biết: “Điều này rất khó có khả năng mở ra cánh cửa để BOJ tăng lãi suất hoặc thay đổi lộ trình nới lỏng để có cùng quan điểm với Fed và ECB. Thủ tướng Kishida đã thiết lập chương trình nghị sự kinh tế của riêng mình và đã hỗ trợ BOJ ít nhất cho đến nay. Ông Abe không phải là lý do khiến BOJ mắc kẹt với việc giữ lãi suất ở mức rất thấp”.
Harumi Taguchi, nhà kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: “Điều đó thực sự gây sốc, nhưng từ góc độ chính sách kinh tế rộng, tôi không nghĩ rằng nó sẽ có tác động lớn. Cuộc bầu cử đã được tiến hành theo hướng tích cực và các chính sách của chính quyền Kishida không quá khác xa so với chính quyền Abe".
“Vì cựu Thủ tướng Abe có lẽ nổi tiếng ở nước ngoài hơn so với thủ tướng Kishida, phản ứng trên thị trường tiền tệ có thể lớn hơn khi giao dịch ở London bắt đầu. Ông ấy đã lãnh đạo Abenomics nên có thể có nhận thức về Nhật Bản sẽ thay đổi”, Mari Iwashita, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Daiwa Securities cho biết.