Dấu ấn năm 2024
Năm 2024 ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,69%, thấp hơn mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra. Mức lạm phát này không chỉ phản ánh sự ổn định của giá cả, mà còn củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách điều hành.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm dần đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dù tăng trưởng đầu tư và sản xuất có phần đóng góp rất lớn của khu vực FDI, nhưng không thể phủ nhận các doanh nghiệp nội địa đã có bước phục hồi đáng kể so với năm 2023.
Hệ thống ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định dù có nhiều thời điểm áp lực tỷ giá USD/VND rất căng thẳng và thị trường tài chính nội địa đứng vững trước các biến động lớn từ bên ngoài.
Những kết quả này đã tạo nền tảng vững chắc cho năm tiếp theo, nhưng áp lực từ xu hướng chính sách toàn cầu và những điểm nghẽn trong huy động vốn nội địa vẫn đặt ra những bài toán khó cho nhà điều hành trong việc định hướng thực thi chính sách tiền tệ của năm 2025.
Ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp |
Xét trên toàn cầu, các nền kinh tế lớn đang điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trung Quốc cam kết theo đuổi chính sách “nới lỏng hợp lý”, tập trung kích thích tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục hạ lãi suất để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, nhưng tốc độ giảm sẽ thận trọng. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu, mà còn đặt ra áp lực lớn đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam trong việc kiểm soát tỷ giá và giữ vững sức hút đối với nhà đầu tư quốc tế.
Tuy vậy, xu hướng toàn cầu cũng gợi mở các cơ hội mới cho Việt Nam. Các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, được kỳ vọng sẽ nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường kinh tế ổn định và nhu cầu tăng trưởng cao. Song, để tận dụng các cơ hội này, chính sách điều hành cần phải đủ linh hoạt để xử lý các áp lực bên ngoài trong khi đảm bảo duy trì sự ổn định nội tại.
Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025
Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16 - 17% trong năm 2025. Mục tiêu này được tính toán dựa trên quy luật tín dụng thường tăng trưởng khoảng 1,5 lần so với GDP.
Với mục tiêu GDP tăng 8%, mức tăng trưởng tín dụng này được coi là hợp lý, đảm bảo cung ứng vốn cho các ngành kinh tế trọng điểm như sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vào các ngành kinh tế then chốt, được hưởng lợi trước những biến động địa chính trị trên thế giới cũng như định hướng phát triển mới của các quốc gia lớn để có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa trước làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có thể gia tăng.
Ví dụ, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang đòi hỏi nguồn vốn lớn để thúc đẩy cạnh tranh toàn cầu, trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng cần nguồn tài chính ổn định để phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng. |
Việc định hướng nguồn tín dụng vào các lĩnh vực chiến lược sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Việc NVIDIA công bố việc chọn Việt Nam thành một khu vực trọng điểm sản xuất có thể tạo một hiệu ứng tích cực lên các ngành công nghệ trong thập niên tới.
Một trong những vấn đề lớn đối với hệ thống ngân hàng năm 2025 là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong bối cảnh tiền gửi có thể chưa tăng trưởng tương ứng. Các ngân hàng thương mại trong năm 2024 đã phải gia tăng huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá để đảm bảo thanh khoản, tuy nhiên, điều này dẫn đến chi phí vốn tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng.
Lãi suất huy động cuối năm 2024 đã bắt đầu nhích tăng khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Xu hướng này dự kiến tiếp tục trong năm 2025 khi nhu cầu tín dụng gia tăng.
Lãi suất cạnh tranh có thể thu hút tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất một cách hợp lý để không gây áp lực lạm phát và mục tiêu quan trọng khác là duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán vẫn rất cao.
Một thách thức khác mà Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt là kiểm soát lạm phát trong khi vẫn duy trì ổn định tỷ giá. Khi Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, cạnh tranh xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ trở nên gay gắt hơn.
Điều này đòi hỏi Việt Nam phải giữ được sự ổn định của tỷ giá để bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, đồng thời duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với dòng vốn quốc tế.
Để cân bằng tăng trưởng tín dụng và thanh khoản
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16 - 17%, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai các giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng và thanh khoản.
Thứ nhất, tăng lãi suất huy động hợp lý. Việc điều chỉnh lãi suất huy động ở mức hấp dẫn sẽ thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư và doanh nghiệp, đảm bảo nguồn vốn bền vững cho hệ thống ngân hàng. Đây cũng là cách giảm phụ thuộc vào huy động vốn qua phát hành giấy tờ có giá.
Thứ hai, phát triển thị trường vốn. Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng. Khi các doanh nghiệp tiếp cận vốn trực tiếp từ thị trường vốn, nhu cầu vay ngân hàng sẽ giảm, tạo sự cân bằng trong hệ thống tài chính.
Để thực hiện điều này, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để phát triển khung pháp lý, cải thiện tính minh bạch và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Tương quan của tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động và tăng trưởng cung tiền. |
Thứ ba, phối hợp chính sách tài khóa. Chính phủ cần triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này không chỉ giúp giảm chi phí vốn mà còn tạo động lực cho các ngành kinh tế trọng điểm phát triển. Các biện pháp như giảm thuế hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh và đổi mới sáng tạo cũng cần được đẩy mạnh.
Thứ tư, kiểm soát rủi ro tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ các khoản vay rủi ro cao, tránh tình trạng nợ xấu gia tăng. Việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng sẽ đảm bảo sự ổn định lâu dài cho hệ thống ngân hàng. Một hệ thống đánh giá tín nhiệm nội bộ hiệu quả sẽ giúp ngân hàng phân loại và quản lý rủi ro tốt hơn.
Chính sách tiền tệ năm 2025 sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Để đạt được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành linh hoạt, kết hợp các biện pháp cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo thanh khoản hệ thống.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua thách thức. Đồng thời, việc phát triển thị trường vốn và thực thi các giải pháp kiểm soát rủi ro tín dụng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế phát triển bền vững trong dài hạn.