Dự báo, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022. Ảnh: Dũng Minh

Dự báo, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022. Ảnh: Dũng Minh

Chính sách tiền tệ cần được “hỗ trợ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức ép đang căng ở chính sách tiền tệ nên cần sớm quay lại vấn đề quan trọng là chính sách tài khoá phải can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

Lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5%

Tuần qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc hai ngày họp thường kỳ và thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, lên biên độ 3 - 3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng 0,75% lãi suất, mức độ mà Chủ tịch Fed Jerome Powell gọi là “cao bất thường”.

Biên độ 3 - 3,25% là lãi suất cao nhất của Fed tính từ tháng 1/2008. Cơ quan này phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên 4,4% trước khi kết thúc năm 2022 và năm 2023 có thể tăng lên 4,6% để chống lạm phát.

Trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính - tiền tệ của nhiều nước đến kinh tế trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định: “Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành cao hơn so với dự báo trước đó vốn chỉ dự đoán ở mức 0,5%. Mức lãi suất điều hành hiện tại đang khá cao so với nhiều nước trên thế giới nên tôi cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022”.

Liên quan đến lãi suất tiền gửi, vị tổng giám đốc trên cho biết, thực tế, mức lãi suất tiền gửi đã tăng từ trước khi Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng kể từ đầu tháng 9. Lãi suất tiền gửi tăng do tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (tăng 4,2% so với đầu năm, tăng 9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác.

“Dự báo, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5% từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022”, vị tổng giám đốc nói.

Trong diễn biến có liên quan, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các ngân hàng cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành đã tăng và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay.

“Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 0,2 - 0,4% và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ tăng lãi suất huy động tăng. Chúng tôi dự báo, lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 0,6 - 0,8% (bình quân) trong năm 2023”, bà Hiền nói.

Lựa chọn chính sách phù hợp với chu kỳ kiểu của Việt Nam

Sức ép đang căng ở chính sách tiền tệ nên có thể bung ra bất kỳ van nào, đó là lãi suất, tỷ giá, điều chỉnh room tín dụng.

Điểm đáng chú được các chuyên gia kinh tế nhận định, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25 - 4,5% vào cuối năm 2022. USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất tiền gửi tại Việt Nam.

Dù đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (gần 4%), nhưng TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.

“Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này, giữ tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Theo đó, sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá và giảm bớt áp lực lên lãi suất”, ông Phước nhận xét.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, có tình trạng hơi phức tạp đó là trong 3 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam phát triển không cùng chiều với thế giới. Lạm phát toàn cầu bắt đầu từ năm 2020, chứ không phải là năm 2022. Lạm phát bình quân toàn cầu khoảng 4% trong giai đoạn 2020 - 2021. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 của thế giới rất thấp, thậm chí âm, nhưng đến năm 2021 tăng rất tốt, bình quân là 4%, thậm chí Mỹ tăng đến 6%. Trong khi đó, Việt Nam năm 2020 và 2021 có lạm phát rất thấp, dưới 3%, có năm dưới 2%, nhưng tăng trưởng kinh tế cũng thấp, lần lượt là 2,9% và 2,58%.

“Có thể khẳng định, thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất là xu hướng toàn cầu, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn. Nhưng ở Việt Nam không đồng nhịp với chu kỳ tăng trưởng và lạm phát của thế giới, nên lựa chọn chính sách ở Việt Nam phù hợp với chu kỳ kiểu của Việt Nam. Theo tôi, cần tập trung đánh giá và dự báo như năm 2023 có thể coi là bắt đầu vào chu kỳ phục hồi chính thức? Liệu Việt Nam có rơi vào chu kỳ lạm phát cao mà tăng trưởng thì giảm hay vẫn không đồng nhịp với diễn biến của thế giới? Căn cứ vào đó thì mới có thể hoạch định được chính sách tiền tệ theo hướng nào”, ông Ánh nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu quan điểm, điều hành lãi suất để chống lạm phát, nhưng nâng lãi suất để giải bài toán về sức ép tín dụng lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Cường, thực tế, sức ép lên chính sách tiền tệ hiện rất lớn, quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng. Fed vừa tăng lãi suất (dự kiến tăng thêm trong những tháng cuối năm 2022) và USD tiếp tục mạnh lên. Dự trữ ngoại hối không nhiều, trong khi đã bán ra thị trường khoảng 20 tỷ USD. Nguồn ngoại tệ xuất khẩu và kiều hối đang giảm dần. Dòng vốn FDI được duy trì và giải ngân, nhưng chỉ là một nguồn cung cấp rất hạn chế.

“Câu chuyện đặt ra là sức ép đang căng ở chính sách tiền tệ nên có thể bung ra bất kỳ van nào, đó là lãi suất, tỷ giá, điều chỉnh room tín dụng. Chúng ta cần sớm quay lại vấn đề quan trọng là chính sách tài khoá phải can thiệp kịp thời, hỗ trợ chính sách tiền tệ, nếu không sẽ bục ra không chỉ một mà có thể là ở một số van”, ông Cường cảnh báo.

Nhấn mạnh về dư địa của chính sách tiền tệ hiện rất hạn hẹp, ông Cường cho biết, đến một giới hạn nhất định, một van sẽ buộc phải mở do không thể chịu áp lực quá nhiều. Cố gắng không làm “vỡ” mặt trận tiền tệ bằng cách tận dụng tín nhiệm Việt Nam để từ đó tăng cường nguồn vốn FDI, giải ngân đầu tư công, chính sách tài khoá cùng phối hợp để giảm áp lực lên chính sách tiền tệ, duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.

“Việt Nam liên tục được các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào môi trường kinh doanh ở đây, giúp duy trì được nguồn vốn FDI. Bên cạnh chính sách tài khoá, dòng vốn FDI quan trọng, tăng cường giải ngân đầu tư công sẽ một phần nào hỗ trợ chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng trong việc điều hành các mức lãi suất chính sách”, ông Cường khuyến nghị.

Tin bài liên quan