Doanh nghiệp và người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

Doanh nghiệp và người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

Chính sách tiền tệ 2021: Chủ động, linh hoạt hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế năm 2021 đối mặt với khó khăn chưa từng có khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động vào cuộc, triển khai hiệu quả và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Bảy giải pháp khắc phục khó khăn do dịch

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ nhất, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 10 tháng đầu năm 2021, thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào, hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn để có điều kiện tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sau khi giảm 3 lần lãi suất điều hành với mức giảm 1,5-2%/năm trong năm 2020 và là một trong những ngân hàng trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, trong năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay sau khi giảm 1%/năm trong năm 2020 đã giảm thêm 0,7%/năm trong 9 tháng đầu năm 2021. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6 - 9,5%/năm.

Thứ ba, điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm 2021 khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, phân bổ và rà soát, linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD để có thêm dư địa đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Với các giải pháp đồng bộ của NHNN, tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm 2021 và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cho dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Theo đó, tính đến 9/11/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,76% so với cuối năm 2020.

Thứ tư, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và điều kiện tài chính của doanh nghiệp, người dân. Do đó, NHNN đã khẩn trương triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Thực tế, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Đến ngày 25/10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh với dư nợ khoảng 250.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp với tác động ngày càng sâu, rộng đối với nền kinh tế, NHNN đã kịp thời điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN với việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 để tạo điều kiện cho TCTD hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn với quy mô, phạm vi hỗ trợ được mở rộng hơn, thời hạn hỗ trợ kéo dài đến tháng 6/2022.

Đến ngày 25/10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch với dư nợ khoảng 250.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 vào khoảng 540.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/1/2020, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng vào khoảng 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng. Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, LienVietPostBank, MBBank, TPBank, VIB, ACB, SeAbank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 - 31/10/2021 cho khách hàng là 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.

Thứ năm, triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ một số đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, đối với chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, NHNN đã kịp thời triển khai các gói tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất 0%/năm, không yêu cầu tài sản bảo đảm để ngân hàng này cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất. Trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, gói tái cấp vốn với quy mô tối đa 7.500 tỷ đồng đã được triển khai và đến ngày 3/11/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn khoảng 673,13 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay.

Bên cạnh đó, NHNN cũng triển khai gói cho vay tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo đó, NHNN tái cấp vốn đối với các TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn của chương trình tối đa đến ngày 31/12/2021.

Thứ sáu, công tác điều hành tỷ giá tiếp tục đảm bảo linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định, đến cuối tháng 10/2021, tỷ giá trung tâm tương đương cuối năm 2020, trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá khá lớn so với USD (baht Thái giảm 11,2%, ringgit Malaysia giảm 2,8%, đô-la Singapore giảm 1,95%...). Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Thứ bảy, NHNN triển khai các giải pháp miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống NAPAS) ước thực hiện giảm trong năm 2021 khoảng 1.557 tỷ đồng (năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng).

Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng tương ứng với số phí NHNN đã giảm, miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; miễn phí các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai các gói sản phẩm dịch vụ hỗ trợ khách hàng như chính sách miễn phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản...

Đại dịch Covid-19 khiến các giao dịch thanh toán trực tiếp gặp khó khăn, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo chủ trương của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thanh toán qua tài khoản viễn thông (Mobile Money...). Nhiều công nghệ đột phá đã được các TCTD ứng dụng để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi, mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như QR code, thanh toán không tiếp xúc, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC đặc biệt...

Những kết quả trên đây cho thấy những nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong việc đồng hành, chung tay và chia sẻ với nền kinh tế vượt qua đại dịch. Đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong năm 2021, GDP của nền kinh tế vẫn ghi nhận tăng trưởng dương (9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 1,42%), lạm phát ở mức thấp (10 tháng đầu năm 2021 là 1,81%), kinh tế vĩ mô ổn định, các thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt, lãi suất giảm, tín dụng được đẩy mạnh để bơm vốn duy trì các hoạt động kinh tế.

Những kết quả này đạt được trong điều kiện bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đại dịch. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay trả nợ ngân hàng, rủi ro nợ xấu phát sinh, gia tăng nếu khó khăn kéo dài và không được tháo gỡ kịp thời. Chu chuyển vốn chậm và vòng quay tín dụng chậm lại do doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, sản xuất gián đoạn và tiêu thụ hàng hóa chậm, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tín dụng của TCTD... Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là điều vô cùng quan trọng để sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Định hướng năm 2022

Bước sang năm 2022, có thể hy vọng vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu nếu phổ quát vắc-xin tiếp tục được đẩy nhanh một cách hiệu quả. Trong tháng 10/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,9%. Giá cả hàng hóa cơ bản và lạm phát thế giới dự báo giữ ở mức cao do tác động từ thiếu hụt nguồn cung. Chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế chủ chốt dự kiến giảm dần hỗ trợ, nhiều quốc gia tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng lạm phát. Các yếu tố này (giá thế giới cao, điều kiện tiền tệ dần thắt chặt) cùng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, thách thức trong việc phổ quát vắc-xin công bằng giữa các quốc gia… khiến quá trình phục hồi của kinh tế thế giới trở nên khó lường với nhiều rủi ro, bất trắc.

Ở trong nước, dịch bệnh dần được kiểm soát với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, hướng tới mục tiêu 70% dân số được tiêm vào quý I/2022, cùng với xu hướng phục hồi kinh tế thế giới, Chính phủ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tạo thuận lợi để kinh tế phục hồi toàn diện trên các mặt tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Song song với xu hướng phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát cũng sẽ có chiều hướng tăng, đặc biệt khi giá thế giới và chi phí sản xuất dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung có thể kéo dài hơn dự kiến.

Điều đó khiến việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đối mặt với không ít thách thức, khi vừa phải duy trì sự hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế còn đang mong manh, bất trắc, vừa phải chủ động đối phó với áp lực lạm phát gia tăng. Theo đó, với quan điểm, chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời theo dõi sát diễn biến vĩ mô, giá cả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Một là, NHNN điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ TCTD sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch.

Tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm như tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng các giải pháp chính sách trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau giãn cách.

Hai là, trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh áp dụng các giao dịch “phi tiếp xúc” để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.

Ba là, NHNN tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, trọng tâm là tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các TCTD yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô lẫn chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Tin bài liên quan