Có ý kiến đánh giá, mặc dù chịu khá nhiều sức ép trong năm 2017, song Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Để đánh giá mức độ thành công hay hiệu quả của chính sách tiền tệ, cần phải đặt nó trong một bối cảnh cụ thể, với những yêu cầu cụ thể.
TS. Võ Trí Thành
Năm 2017, kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực tại hầu hết các khu vực nhờ sự phục hồi của nhóm các nước phát triển, cũng như sự cải thiện của các nước mới nổi. Trong bối cảnh đó, giá hàng hóa cơ bản và lạm phát ở các nước bắt đầu có xu hướng tăng khiến ngân hàng trung ương các nước phát triển có xu hướng điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và chặt chẽ. Thị trường tài chính quốc tế biến động trái chiều với các dự đoán khi cả năm, đồng USD giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt. Căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, kinh tế trong nước hai quý đầu năm có những diễn biến bất lợi khi lạm phát tăng nhanh ngay từ những tháng đầu năm và liên tục duy trì ở mức trên 4% trong thời gian này. Bên cạnh đó, thị trường ngoại tệ cũng chịu áp lực tâm lý lớn khi đồng USD thế giới tăng giá liên tục trong 2 tháng đầu năm cộng hưởng với thâm hụt cán cân thương mại tăng cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 qúy đầu năm không đạt như kỳ vọng…
Những diễn biến này đặt ra khó khăn và thách thức không nhỏ đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng khi vừa phải kiềm chế lạm phát trong khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững…
Kết quả cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán (M2) cả năm tăng khoảng 14,91%, vừa góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53%, vừa đảm bảo thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thanh khoản luôn trong trạng thái dư thừa hợp lý, một mặt hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, cả năm tăng khoảng 18,17%, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%; mặt khác, tạo điều kiện ổn định được mặt bằng lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, việc kiểm soát cung tiền, thanh khoản ở mức hợp lý còn giúp tỷ giá, thị trường vàng ổn định…
Đó là những thành công đáng ghi nhận trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2017.
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, đồng thời kiểm soát lạm phát bình quân khoảng 4% như năm 2017. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này và liệu có tạo sức ép lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ?
Mục tiêu tăng trưởng và lạm phát năm 2018 cũng tương đương như năm 2017, song để đạt được những mục tiêu này cũng không hề đơn giản khi bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm nay có nhiều điểm khác so với năm 2017.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được dự báo khá tích cực, tuy nhiên rủi ro, bất ổn cũng rất lớn. Đó là bất ổn chính trị, địa chính trị đang có xu hướng lan rộng, trong khi chủ nghĩa bảo hộ cũng trỗi dậy mạnh mẽ…
Tất cả những điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng khi nước ta có độ mở lớn.
(Nguồn: NHNN)
Hay như áp lực lạm phát năm nay được dự báo cũng sẽ lớn hơn nhiều, khi mà giá nhiều loại hàng hóa cơ bản, đặc biệt là xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Lãi suất tại các nền kinh tế phát triển cũng được dự báo sẽ cao hơn, khiến dòng vốn có nguy cơ chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, từ đó gây nhiều áp lực đến tỷ giá và lạm phát trong nước.
Trong khi đó, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng tạo nhiều sức ép đến lạm phát. Chưa kể áp lực lạm phát từ việc tổng cầu tăng lên từ chính sách tiền tệ, với việc ít nhiều nới mức tăng cung tiền trong các năm trước…
Áp lực lạm phát trước hết sẽ gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ. Đó là việc cân bằng lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó đặc biệt lưu ý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, có một vấn đề khó khăn, đó là cân bằng lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ để làm sao người dân tin vào đồng nội tệ. Chúng ta phải luôn rất thận trọng về câu chuyện sai lệch cơ cấu đồng tiền trong thời gian tới, giám sát tốt giữa USD và VND.
Trong bối cảnh đó, theo ông, điều hành chính sách tiền tệ nên theo hướng nào?
Như tôi đã nói ở trên, năm 2018, kinh tế thế giới diễn biến khó lường với thuận lợi và khó khăn đan xen. Tất cả những điều đó đặt ra những thách thức đối với mục tiêu khá thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2018 là tăng trưởng tín dụng 17%, cung tiền (M2)16%. Thận trọng là bởi áp lực lạm phát, rủi ro là có.
Bên cạnh đó còn là áp lực phải tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hệ số an toàn vốn (CAR) có xu hướng giảm do tín dụng vài năm gần đây tăng khá mạnh, nên vấn đề quan trọng là tăng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng tốt hơn trong năm 2017 sẽ tạo nền tảng tích cực cho năm 2018, như hỗ trợ các ngân hàng tăng vốn, lành mạnh hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, giúp các ngân hàng cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, năm 2018 cũng có nhiều điểm tích cực hơn so với 2017. Điểm thuận lợi lớn là tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục đà phục hồi trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, triển vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục thuận lợi, nhất là trong điều kiện Nhà nước tiếp tục nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và thoái vốn tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn.
Tuy nhiên, việc thoái vốn, bán cổ phần lớn có thể gây xáo trộn đối với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hạn chế các tác động bất lợi này.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tiếp tục chậm như trong năm 2017 thì số dư tiền gửi lớn tại các tổ chức tín dụng sẽ làm giảm tính chủ động trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, yếu tố tâm lý thị trường khi có những thông tin nhạy cảm về hoạt động ngân hàng và một số vụ án đặt ra thách thức trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước để ổn định thị trường tiền tệ..
Vì vậy, ứng xử của Ngân hàng Nhà nước cần phải hết sức linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế đạt được mục tiêu kép là tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ổn định vẫn là nền tảng. Linh hoạt nhưng thận trọng là cần thiết.
Vậy ông dự báo thế nào về diễn biến tỷ giá trong năm 2018?
Trong năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 - 4 lần. Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như ECB, BOJ… cũng có thể theo chân Fed thắt chặt ít nhiều chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, áp lực đối với tỷ giá từ việc Fed tăng lãi suất là không quá lớn vì với chính sách của Tổng thống Donal Trump, đồng USD có xu hướng yếu. Trong khi như tôi đã nói, triển vọng dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam tiếp tục thuận lợi.
Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ và các nước khác phục hồi tích cực giúp duy trì ổn định dòng kiều hối về Việt Nam. Cán cân thanh toán quốc tế có khả năng tiếp tục có thặng dư, dù cán cân thương mại có thể thâm hụt.
Như vậy, áp lực với chính sách tiền tệ từ tỷ giá không lớn, áp lực chủ yếu nhất vẫn là lạm phát.
Theo ông, về phía Chính phủ, cần có sự hỗ trợ nào để chính sách tiền tệ hoàn thành nhiệm vụ của mình?
Chính phủ cần phải hiểu phục hồi tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng, nhưng cái nền tái cấu trúc, phân bổ nguồn lực hiệu quả là ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống ngân hàng, để làm tốt vai trò cầu nối, mạch máu cho nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro thì nhiệm vụ trung tâm vẫn là tái cấu trúc, tăng vốn chủ sở hữu.
Muốn vậy, cần tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng tập trung vào việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cung ứng dịch vụ… Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu không phải là tất cả, nhưng là một điểm tựa tốt để hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu. Tôi tin tưởng năm 2018, nợ xấu sẽ xử lý tốt hơn, vì nền tảng kinh doanh cũng đang tốt.
Trên tinh thần đó, hạ lãi suất được là tốt, nhưng chủ yếu cần giữ cân bằng ở mức hợp lý. Bởi lạm phát trên dưới 4% thì lãi suất cũng phải nhìn vào lạm phát. Theo tôi, lãi suất khó có hy vọng giảm nhiều, chỉ giảm khoảng 0,25 - 0,5%/năm đã là tốt.
Bên cạnh đó, các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, cũng cần được điều hành một cách hợp lý, phối hợp chẽ với chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, trong phát hành trái phiếu, việc phát hành bao nhiêu, vào thời điểm nào, lãi suất ra sao... cần phải nhìn vào chính sách tiền tệ. Việc điều hành giá cũng vậy, tăng giá lúc nào, mức độ bao nhiêu... cần phải tính toán thận trọng, bởi áp lực lạm phát năm nay lớn hơn nhiều.