Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt khoảng 2,5 tháng nhập khẩu

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt khoảng 2,5 tháng nhập khẩu

Chính sách tiền tệ 2016: “Đi dây giữa hai đầu thắt - nới”

(ĐTCK) Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, 2016 sẽ là năm đầy thử thách đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. 

Mặc dù vậy, cũng theo ông Hải, Việt Nam may mắn hơn so với các quốc gia khác do tăng trưởng kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi. 

Về câu chuyện tỷ giá trong năm 2016, ông có nhận định như thế nào?

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới nên những biến động trên thị trường tài chính thế giới đều sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Về phía Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh chính sách điều hành của mình theo hướng chấp nhận cuộc chơi, đưa ra chính sách tỷ giá phù hợp hơn với biến động cung - cầu thị trường. Giai đoạn từ năm 2015 cho tới thời điểm đầu năm 2016, thị trường vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 4 đợt trong năm 2016.

Tuy nhiên, những biến động trên thị trường tài chính thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng trong 2 tháng đầu năm nay đã làm thay đổi suy nghĩ của Fed về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu và khả năng chịu đựng của kinh tế Mỹ. Đó là lý do trong cuộc họp gần đây nhất, cơ quan này cho biết tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại so với trước đây. Dự báo, Fed sẽ tăng lãi suất 2 đợt trong năm 2016 thay vì 4 đợt.

Tôi hy vọng NHNN tiếp tục kiên định trong việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng về chất lượng thay vì về số lượng.

Khi tốc độ tăng lãi suất USD chậm lại, chắc chắn áp lực giảm giá lên các đồng tiền khác so với USD sẽ giảm đi và đồng tiền xanh sẽ có khả năng mất giá. Tuy nhiên, bản thân thị trường vẫn nhìn nhận USD là một nơi trú ẩn an toàn nên trong điều kiện thị trường có khủng hoảng (chẳng hạn những biến động mạnh về tài chính khi các số liệu kinh tế của Trung Quốc xấu đi đột ngột hay Anh rút ra khỏi Khối đồng tiền chung châu Âu…), mọi người sẽ quay về với USD và tạo ra xu hướng USD tăng giá mạnh.

Với Việt Nam, nền kinh tế khởi sắc hơn trong năm 2016 đồng nghĩa với nhu cầu nhập máy móc, nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu gia tăng. Điều này có thể dẫn tới khả năng thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2016 sẽ tăng và đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối.

Các yếu tố khác được kỳ vọng cân bằng lại thị trường ngoại hối là Việt Nam có thể sẽ thu hút một lượng vốn lớn từ nước ngoài như dòng vốn FDI tiếp tục được đẩy mạnh (do việc tham gia các hiệp định tự do thương mại; chi phí nhân công giá rẻ và các biện pháp khuyến khích của Chính phủ); dự báo các thương vụ mua bán, sáp nhập trong năm 2016 và đặc biệt là chương trình cổ phần hóa các DN quốc doanh. Điển hình trong vòng 2 tháng đầu năm nay, việc tiền đồng tăng giá so với USD chủ yếu là dựa vào dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các thương vụ mua bán, sáp nhập.

Nhìn chung, trong năm 2016, với bối cảnh FDI, FII tăng và nguy cơ thâm hụt thương mại, nếu không có biến động lớn trên thế giới, nhiều khả năng tỷ giá VND/USD không vượt quá mức giảm giá 4%.

 ông Phạm Hồng Hải

Việc tăng giá của VND những tháng đầu năm đã khiến nhiều DN có những lạc quan nhất định về tiềm lực nền kinh tế. Ông nhận định thế nào về tâm lý này?

Như tôi đã đề cập ở trên, việc tăng giá này chủ yếu do luồng vốn gián tiếp vào thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập, tạo ra một lượng cung ngoại tệ tốt vào đầu năm 2016. Bên cạnh đó, NHNN đã theo dõi sát sao và đưa ra tỷ giá sàn mua vào 22.300 VND/USD, tránh việc tiền đồng tăng giá mạnh sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Thực tế, thị trường cũng đang giao dịch quanh mức này. Đây là giải pháp khôn ngoan trong bối cảnh NHNN đã sử dụng một lượng dự trữ ngoại hối để can thiệp mạnh vào thị trường trong 6 tháng cuối năm 2015 và hiện đang là thời điểm thích hợp để nâng mức dự trữ ngoại hối lên.

Theo tôi, DN nên hết sức thận trọng, không nên nghĩ việc tăng giá tiền đồng và sự ổn định của thị trường trong vòng 2 tháng trở lại đây sẽ là xu hướng chung của cả năm 2016. Năm 2016 còn tiềm ẩn nhiều biến động hơn so với năm 2015 do biến động giá dầu, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những bất ổn về địa chính trị.

Tuy nhiên, các sản phẩm phái sinh có vẻ như vẫn chưa được các DN mặn mà…?

Thực tế, tỷ lệ DN sử dụng các sản phẩm kỳ hạn và hoán đổi trong năm 2015 tăng lên do họ đã nhìn thấy được hiệu quả từ việc sử dụng sản phẩm này trong phòng chống rủi ro. Đến đầu năm 2016, tốc độ sử dụng có phần hơi chững lại sau khi có sự thay đổi trong xu hướng biến động của tiền đồng. Các lý do mọi người vẫn còn ngần ngại khi sử dụng sản phẩm phái sinh bao gồm:

Thứ nhất, vẫn chưa có một quy định hay chính sách nào về trách nhiệm của DN trong quản trị rủi ro thị trường, bao gồm cả rủi ro tỷ giá và lãi suất. Lỗ do biến động của tỷ giá và lãi suất vẫn được coi là chấp nhận được, do đây là những biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của DN.

Một yếu tố cần thiết để thay đổi nhận thức DN là những hướng dẫn về chính sách của Bộ Tài chính trong việc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro và khuyến khích các DN chủ động đối với việc quản trị rủi ro. Các DN cần tập thói quen nhìn từ góc độ hiệu quả kinh doanh và phải có trách nhiệm quản trị rủi ro tỷ giá và lãi suất, thay vì đổ lỗi cho thị trường.

Thứ hai, bản thân thị trường cần những chuẩn về lãi suất và tỷ giá để giúp hình thành thị trường phái sinh. Đơn giản nhất là đường cong lãi suất tiền đồng đã nhiều năm rồi vẫn chưa xây dựng được. Thị trường cần sự định hướng, chỉ đạo của NHNN và Bộ Tài chính để giúp tạo đường cong lãi suất ngắn hạn, cũng như trung dài hạn để từ đó thúc đẩy thị trường phái sinh phát triển.

Một báo cáo kinh tế gần đây của HSBC đã đề cập đến vấn đề giảm dự trữ ngoại hối. Điều này có phải là quan ngại lớn, thưa ông?

Chúng ta không có số liệu công bố chính thức, thường xuyên về dự trữ ngoại hối. Hiện tại, ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương ứng khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, được coi là ở mức thấp trong khu vực. Chắc chắn NHNN sẽ cần tiếp tục nâng dự trữ ngoại hối để đảm bảo an toàn, ổn định thị trường.

Tuy nhiên, mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp so với giá trị nhập khẩu, nhưng đa phần lượng nhập khẩu của Việt Nam liên quan chặt chẽ đến xuất khẩu, tức là nhập khẩu để tái tạo ngoại tệ từ xuất khẩu. Do đó, tỷ lệ dự trữ ngoại hối hiện nay không quá đáng ngại.

Về chính sách tiền tệ trong năm 2016, ông có nhận định gì?

Trong giai đoạn 2012 - 2015, các chính sách tiền tệ được sử dụng rất cẩn trọng, mặc dù có những thời điểm tăng trưởng thấp và gặp nhiều khó khăn nhưng NHNN vẫn duy trì sự cẩn trọng này để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường vẫn kỳ vọng chính sách này tiếp tục được duy trì trong các năm tới. Mặc dù giá nguyên liệu, giá dầu đang ở mức thấp nhưng nếu giá hàng hóa quay đầu tăng thì lạm phát tại Việt Nam sẽ tăng theo. Việc sử dụng mô hình nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi kiểm soát lạm phát trong tương lai và tạo nên những bong bóng tài sản khác trong nền kinh tế.

Tôi hy vọng NHNN tiếp tục kiên định trong việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng về chất lượng thay vì về số lượng.

Ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương ứng khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, được coi là ở mức thấp trong khu vực. Chắc chắn NHNN sẽ cần tiếp tục nâng dự trữ ngoại hối để đảm bảo an toàn, ổn định thị trường.

Mặt bằng lãi suất khó có khả năng giảm thêm trong thời gian sắp tới với cầu kinh tế tăng lên, cộng thêm việc Bộ Tài chính cần huy động nhiều vốn để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, khi lãi suất USD tăng lên thì mặt bằng lãi suất VND vẫn cần được nâng lên ở mức đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân giữ và gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.

Nhìn chung, 2016 sẽ là năm nhiều biến động và thử thách. Nền kinh tế phục hồi với cầu gia tăng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao ở mức 18-20%, dòng vốn từ nước ngoài đổ vào tạo cung tiền cho nền kinh tế đòi hỏi sự giám sát chặt và linh hoạt để tránh lặp lại trường hợp các năm 2006-2008. Nếu không dung hòa hai lượng vốn này sẽ có khả năng dẫn tới nợ xấu, bong bóng tài sản, nguồn tiền quá dễ dãi và DN đầu tư dàn trải… Do đó, bài toán khó là chính sách tiền tệ không quá thắt chặt mà lại không quá nới lỏng.

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Tin bài liên quan