Chính sách tiền tệ 2010: Nhiều thách thức và biến động

Chính sách tiền tệ 2010: Nhiều thách thức và biến động

(ĐTCK-online) Những tin đồn xung quanh việc tăng lãi suất cơ bản đầu năm 2010 cùng với việc tăng tỷ giá USD liên ngân hàng và giảm lãi suất tiết kiệm đồng USD… ngay trước thềm Tết Âm lịch báo hiệu một năm đầy thách thức với chính sách tiền tệ của Việt Nam. Vậy, đâu là những áp lực chính lên chính sách tiền tệ của Việt Nam năm nay?

Lạm phát và tăng trưởng

Năm 2009, trong khi chính phủ các nước trong khu vực sử dụng các gói kích cầu khổng lồ song vẫn duy trì được mức độ lạm phát âm hoặc xấp xỉ bằng không thì Việt Nam (và Ấn Độ) lại xuất hiện lạm phát khá sớm và cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Vì thế, cũng không khó hiểu khi Chính phủ quyết định thu hẹp gói kích cầu sớm hơn so với nhiều quốc gia khác, mặc dù nếu có khả năng tiếp tục duy trì, chắc chắn sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn. Bản chất của quyết định cắt giảm gói kích cầu cũng như tăng lãi suất cơ bản là thắt chặt chính sách tiền tệ để nhằm kiềm chế lạm phát, hy sinh tăng trưởng ngắn hạn vì mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Sử dụng chính sách tiền tệ để điều tiết nền kinh tế là đúng đắn, nhưng thắt chặt chính sách tiền tệ khi nền kinh tế chưa thực sự hồi phục và còn nhiều khó khăn phía trước lại là một quyết định không dễ dàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang đứng trước một quyết định hết sức khó khăn trong định hướng nền kinh tế.

Câu chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Bước sang năm 2010, CPI tháng 1 đã dội một gáo nước lạnh vào nền kinh tế, cùng với những tiên đoán về mức lạm phát của Việt Nam cả năm sẽ ở mức hai con số càng đè nặng lên vai những người làm chính sách. CPI tháng 2 của cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM tăng rất mạnh (2,16% và 1,68%) cùng với quyết định tăng lương cơ bản vào tháng 5 tới, không khó tưởng tượng ra áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng cả nước. Nếu lạm phát cao hơn nhiều so với dự tính, khó có thể trì hoãn việc tăng lãi suất cơ bản hoặc thực hiện các biện pháp hành chính gián tiếp can thiệp vào thị trường, nhằm giảm nguồn cung tiền tệ. Cái khó là tăng bao nhiêu và tăng như thế nào để cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và giữ mức tăng trưởng mục tiêu đã đề ra.

Điều chỉnh tỷ giá và rủi ro tiềm ẩn

Mặc dù có những ý kiến trái chiều, nhưng đa số các NĐT đều nhận định, điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam là quyết định đúng đắn và kịp thời của NHNN để giải quyết những bất cập trên thị trường, nhằm kích thích nguồn cung ngoại tệ phục vụ cho xuất khẩu và cải thiện nguồn dự trự ngoại hối. Tuy nhiên, quyết định này đang tạo áp lực kép lên tình hình lạm phát nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời.

Việt Nam trong những năm gần đây luôn ở trong tình trạng nhập siêu, vì thế việc giảm giá của đồng Việt Nam mặc dù tốt cho xuất khẩu nhưng lại ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu. Nếu quyết định tăng tỷ giá đồng USD liên ngân hàng không giải quyết được tận gốc nhu cầu về ngoại tệ của DN và thị trường ngoại tệ không chính thức vẫn hoạt động như trước đây thì DN vẫn phải mua ngoại tệ bên ngoài với tỷ giá cao. Do chúng ta nhập khối lượng rất lớn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, tăng tỷ giá ngoại tệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, mà người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Như vậy, NHNN giải quyết được vấn đề này lại phát sinh áp lực lên vấn đề khác, mà vấn đề ở đây lại là nguy cơ lạm phát. Do đó, NHNN cần sớm có những biện pháp để bình ổn thị trường ngoại tệ và hỗ trợ tốt hơn DN nhập khẩu để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới nền kinh tế và hạn chế những ảnh hưởng phụ của chính sách tiền tệ.

 

Điều chỉnh quy định trần lãi suất theo hướng nào?

Không thể phủ nhận những lợi ích của quy định về trần lãi suất trong điều tiết thị trường tiền tệ trong những hoàn cảnh kinh tế nhất định. Còn những hạn chế về quy định trần lãi suất, không phải là NHNN không nhận ra, nhưng không dễ gì đưa ra được những biện pháp tốt hơn, vừa cân bằng cung - cầu tiền tệ trên thị trường mà không xáo trộn hệ thống tiền tệ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới NĐT.

Nếu lạm phát tiếp tục diễn ra theo chiều hướng xấu, NHNN sẽ phải sử dụng công cụ lãi suất để điều tiết nền kinh tế. Rút kinh nghiệm năm 2008, yếu tố tâm lý có khả năng được chú trọng hơn, do đó,  quyết định bỏ ngay trần lãi suất khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, NHNN hoàn toàn có thể giữ nguyên trần lãi suất nhưng nới lỏng biên độ, tăng thêm tính linh hoạt cho các ngân hàng. Một giải pháp khác là kết hợp sử dụng các biện pháp hành chính để giảm thiểu tối đa tác động tâm lý NĐT. Có thể nói, 2009 là một năm vô cùng khó khăn cho nền kinh tế nhưng lại không khó để đoán biết trước các chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng năm 2010, tình hình có nhiều đổi khác. Trong báo cáo phân tích của Russell Investments về tình hình khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2010 có nhận định: sự thành công của mỗi quốc gia năm nay không phải phụ thuộc vào các nước đoàn kết với nhau như thế nào, mà là Chính phủ mỗi quốc gia xử lý như thế nào để hạn chế những khó khăn của thời kỳ hậu khủng hoảng, và sẽ không có một lời giải chung.

Có vẻ như lời tiên đoán đó đang trở thành hiện thực và năm 2010 sẽ là năm đầy thách thức và biến động của chính sách tiền tệ nước ta.