Chính sách thuế của Mỹ: Nam Phi lựa chọn giải pháp ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 4/4, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi Parks Tau và Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Ronald Lamola cho biết nước này lựa chọn giải pháp ngoại giao thay vì trả đũa sau chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump đối với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nam Phi.  
Ông Ronald Lamola. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ông Ronald Lamola. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Phát biểu họp báo chung tại Midrand, Johannesburg, hai bộ trưởng nêu rõ dù phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 30% từ phía Mỹ, nhưng Chính phủ Nam Phi sẽ không áp dụng thuế trả đũa ngay bây giờ. Họ cũng cảnh báo rằng việc phản ứng mà không hiểu cách Mỹ thiết lập mức thuế và không thảo luận với Washington có thể phản tác dụng. Hai bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Cyril Ramaphosa sẽ cử phái đoàn đến Mỹ "vào thời điểm thích hợp".

Trước đó, theo quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ, dự kiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nam Phi sẽ chịu tác động tiêu cực, như kim loại quý, xe, máy móc và trái cây họ cam quýt. Dù các chuyên gia thương mại cảnh báo việc tăng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến người dân thường Nam Phi, khiến giá xuất khẩu, lạm phát và lãi suất tăng, đe dọa tới việc làm, nhưng Chính phủ nước này cho rằng điều nên làm là hợp tác với chính quyền Mỹ.

Bộ trưởng Parks Tau và Bộ trưởng Ronald Lamola cho biết thêm Nam Phi cũng sẽ nỗ lực đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu.

*Tại Nhật Bản, ngày 5/4, Thủ tướng Ishiba cho biết ông dự định gửi một "gói" đề xuất tới Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan các mức thuế mà nhà lãnh đạo Mỹ công bố vào ngày 2/4 vừa qua.

Thủ tướng Ishiba ngày 4/4 cũng đề cập khả năng sẽ tiến hành điện đàm với Tổng thống Trump về vấn đề thuế, sớm nhất có thể là vào tuần tới ở thời điểm thuận tiện cho cả hai bên.

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó mức thuế với hàng hóa Nhật Bản được ấn định là 24%.

*Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, các nhà lãnh đạo của khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ nhóm họp vào ngày 5/4 tại Honduras trong bối cảnh khu vực đối mặt làn sóng áp thuế từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Các nhà lãnh đạo Brazil, Colombia, Mexico, Cuba, Bolivia cùng đại diện 28 nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) sẽ thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ IX của khối các biện pháp đối phó với mức thuế 10-18% mà Mỹ tuyên bố áp dụng đối với 11 quốc gia thành viên của cộng đồng này, trong đó có Brazil, Colombia, Argentina, Chile, Peru (10%), Venezuela (15%), Nicaragua (18%)...

Tin bài liên quan