Người dân di chuyển trên đường phố tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN).
Dư luận Hàn Quốc đang có những tranh luận liên quan đến sự khác biệt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ của quốc gia, sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tăng lãi suất cơ bản vào tuần trước bất chấp kế hoạch tăng chi tiêu mạnh tay của chính phủ trong năm 2022.
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) cho biết chính phủ nước này đã quyết định tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng, với ngân sách hàng năm cao kỷ lục là 605.000 tỷ won (520 tỷ USD) cho năm tài khóa 2022.
Số tiền này thậm chí còn lớn hơn tổng ngân sách chi thường xuyên của năm 2021 là 558.000 tỷ won và hai đợt ngân sách bổ sung với tổng trị giá 46.000 tỷ won.
Bên cạnh đó, ngay trước đợt nghỉ lễ Tết Trung Thu (Chuseok) kéo dài bốn ngày, khoản ngân sách cứu trợ khẩn cấp trị giá 250.000 won/người (215 USD) sẽ được phân phối cho nhóm 88% dân số có thu nhập thấp.
Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế của các hộ gia đình gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Ngược lại, BoK ngày 26/8 vừa qua đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,75% để đối phó với tình hình quá nóng của thị trường bất động sản và chứng khoán, cũng như các khoản nợ hộ gia đình tăng cao.
Sau khi BoK thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên sau 15 tháng, giới chuyên gia kinh tế Hàn Quốc đã bày tỏ những lo ngại rằng các chính sách tài khóa mở rộng của chính phủ Hàn Quốc có thể trở nên kém hiệu quả hơn.
Ông Sung Tae-yoon, Giáo sư kinh tế của Đại học Yonsei nhận định: "Việc cung cấp tiền mặt cho gần như toàn bộ người dân trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ cho thấy các chính sách tài khóa của chính phủ không phù hợp với các chính sách tiền tệ của BoK. Tại thời điểm này, việc tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp một cách có chọn lọc sẽ là vấn đề được nhiều người mong muốn hơn cả."
Nhà nghiên cứu Park No-wook của Viện Tài chính Công Hàn Quốc (KIPF) nói: "Để các chính sách tài khóa trở thành các biện pháp kinh tế quan trọng, các hệ thống cần được cải cách để hợp lý hóa quá trình ra quyết định này."
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã nhấn mạnh sự khác biệt trong vai trò của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Sau khi BoK tăng lãi suất cơ bản, Thứ trưởng MOEF Lee Eog-weon đã nói với các phóng viên rằng Bộ coi việc tăng lãi suất gần đây là kết quả của việc BoK xem xét toàn diện các điều kiện kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng MOEF Hong Nam-ki hồi tháng Sáu vừa qua cũng cho biết rằng ông không nghĩ các chính sách tài khóa mở rộng là mâu thuẫn với việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Quan chức này đồng thời nói thêm rằng chi tiêu của chính phủ có vai trò riêng trong việc hỗ trợ những người khó khăn vượt qua khủng hoảng.