Có thể nói, việc tăng lượng hàng hoá miễn thuế được trao đổi giữa cư dân biên giới là chủ trương rất đúng đắn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng mức sống của cư dân vùng biên giới vốn còn rất khó khăn. Chính sách này cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của cư dân biên giới cũng như các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại các tỉnh có đường biên giới và cửa khẩu, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách này để buôn lậu một cách hợp pháp.
Tại Lạng Sơn, các cán bộ làm công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng buôn lậu là viết sẵn hoá đơn bán hàng thông thường và bảng kê mua thu gom của cư dân biên giới, nhằm hợp thức hoá hàng hoá để rồi đưa lên những xe tải, xe chở khách vận chuyển vào nội địa. Điều này gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu, hải quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các cơ quan chức năng thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại rất khó xác định được đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế đối với lượng hàng trị giá 2 triệu đồng/người/ngày. Mặc dù Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ quy định rằng, đối tượng được hưởng là cư dân biên giới, song những người thực hiện chính sách rất khó nhận biết được đâu là cư dân biên giới theo Quyết định này.
Ông Trưởng cho biết, hiện nay, rất nhiều hộ buôn bán tại chợ Tân Thanh là người nước ngoài cũng đòi được hưởng chính sách mới. Theo thống kê, tại khu vực chợ này có tới trên 1.100 hộ kinh doanh (trong đó hơn 800 hộ là người nước ngoài). Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn nêu giả định: chỉ cần số hộ này được hưởng miễn thuế 2 triệu đồng thì trị giá lượng hàng mỗi ngày được đưa vào nội địa lên tới trên 2 tỷ đồng.
Cũng dễ dàng thấy một thực tế rằng, các đối tượng buôn lậu khá “ung dung” khi lợi dụng chính sách này. Một gia đình biên giới có 6 người không thể ăn hết 12 triệu đồng tiền hoa quả một ngày, nhưng theo các cán bộ hải quan, họ vẫn đi chợ biên giới mua hoa quả “đều như vắt chanh”. Và chỉ đợi những người dân này đem được hàng về là các đầu nậu thu gom nhàn nhã rồi thoải mái đưa về nội địa tiêu thụ.
Rõ ràng, một chính sách đúng đắn cần phát huy được hiệu quả trong thực tế và phải đảm bảo không bị lợi dụng. Trong thời điểm này, các cơ quan thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, để phát huy tính đúng đắn của một chính sách. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi đối tượng buôn lậu đã viết sẵn hoá đơn bán hàng thông thường và bảng kê mua thu gom của cư dân biên giới để hợp thức hoá hàng đưa vào nội địa, thì việc quản lý đối tượng được hưởng chính sách là việc làm hết sức cần thiết. Khi xác định được rõ đối tượng được hưởng chính sách này, các cơ quan chức năng mới có cơ sở để ngăn chặn những đối tượng lợi dụng chính sách, tiếp tay cho buôn lậu.