Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chính sách mới đưa doanh nghiệp phân bón về đâu?

(ĐTCK) Quý III, doanh nghiệp (DN) ngành phân bón đón 2 thông tin chính sách quan trọng là  Nghị định 108/2017/NĐ-CP siết chặt thị trường phân bón và quyết định áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu của Bộ Công thương. Cùng với đó, đề xuất mặt hàng phân bón chịu thuế suất VAT 0% được kỳ vọng hỗ trợ khối DN phân bón.

“Dẹp loạn” thị trường phân bón

Theo thống kê của Bộ Công thương, thị trường phân bón cả nước hiện có 14.174 sản phẩm phân bón vô cơ và hữu cơ, với 706 nhà máy sản xuất. Trong đó, phân bón vô cơ có 13.423 sản phẩm, tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2017. Ước tính, tổng lượng cung phân bón mỗi năm tại Việt Nam (tính cả nhập khẩu) đạt khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp (10 - 11 tấn).

Để khắc phục thực tế thị trường phân bón đang phát triển ồ ạt, không theo định hướng, tràn lan phân bón giả, kém chất lượng…, ngày 20/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP (Nghị định 108) về quản lý phân bón, thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.  

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” diễn ra ngày 20/10/2017, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định 108 có nhiều điểm mới, trong đó lần đầu tiên đưa quyền quản lý về một bộ duy nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị định sẽ siết chặt công tác quản lý sản xuất - kinh doanh phân bón bằng việc đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, bổ sung chế tài xử phạt, tăng gấp 7 lần mức xử phạt hành chính.

Với tình trạng dư thừa hiện nay, quan điểm của nhà quản lý là thắt chặt từ khâu khảo nghiệm chất lượng phân bón, chỉ phân bón có đặc điểm vượt trội so với các sản phẩm hiện nay mới được cấp phép.

Điểm đáng chú ý, các chính sách mới hướng đến việc định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, thông qua khuyến khích sản xuất phân hữu cơ. Thay vì phân vô cơ (từ hóa chất), phân hữu cơ (hình thành từ phân động vật, thực vật, than bùn…) thân thiện môi trường và giúp sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn xuất khẩu ra thị trường
quốc tế.

Xu hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch và hữu cơ (organic) theo đó được dự báo sẽ chiếm chỗ của các nhà sản xuất phân bón vô cơ truyền thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thêm nhiều thời gian mới có sự chuyển đổi rõ nét được, bởi nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn trong tình trạng hơn 90% phân bón sử dụng là phân vô cơ.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ, hiện tại, Việt Nam có hệ thống nhà máy phân vô cơ quy mô lớn do Nhà nước quản lý, nhưng thực trạng này sẽ buộc phải thay đổi.

Đầu tiên là hệ thống phải chuyển dần sang sản xuất phân hữu cơ, cùng với đó các vùng sản xuất phải chuyển dần sang sử dụng phân hữu cơ, giống như một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hà Lan đã làm. Tuy nhiên, như ông Hoàng Trung chia sẻ thì khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy tập quán của nông dân và cả nền sản xuất nông nghiệp.

Áp thuế tự vệ, những doanh nghiệp nào trên sàn được hưởng lợi?

Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 108, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Quyết định đưa ra đầu tháng 8 và có hiệu lực từ ngày 19/8/2017 với quy định mức thuế tự vệ tạm thời với phân DAP, MAP là gần 1,86 triệu đồng/tấn, kỳ vọng bảo vệ cho sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp sản xuất phân NPK sẽ chủ động được nguồn cung.

Theo một số công ty chứng khoán, quyết định áp thuế tự vệ chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất DAP, khi giá phân DAP nhập khẩu có thể tăng 20% so với hiện tại.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch hiện đang sản xuất urê và NPK. Các trường hợp khác như Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất dầu khí (DPM) có thể sản xuất DAP, nhưng dự kiến năm 2018 mới tung ra thị trường sản phẩm này.

Tại Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC), mặc dù sử dụng phân DAP như nguyên liệu đầu vào, nhưng tỷ trọng loại phân này trong giá vốn chỉ khoảng 20 - 25%, nên tác động là không đáng kể.

Trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần DAP (DDV) là doanh nghiệp duy nhất có sản phẩm chủ lực là phân DAP. Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, DDV và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS, đang nắm gần 20% cổ phần DDV) là những đơn vị được lợi rõ nhất từ quyết định áp thuế tự vệ.

Quý III/2017 vừa qua, DDV bất ngờ công bố kinh doanh có lãi sau 6 quý lỗ liên tiếp kể từ đầu năm 2016. Cụ thể, DDV đạt doanh thu thuần 462,6 tỷ đồng, tăng 68% và lãi sau thuế 8,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 lỗ xấp xỉ 112 tỷ đồng.

Lãnh đạo DDV cho biết, công tác tiêu thụ được cải thiện đáng kể với sản lượng DAP bán được đạt gần 56.000 tấn, tăng 21.464 tấn (+62%) so với quý III/2016, đồng thời giá bán tăng từ hơn 7,7 triệu đồng/ tấn lên 8,2 triệu đồng/tấn. Dù có quý III tăng ấn tượng nhưng tính chung 9 tháng, DDV vẫn bị lỗ ròng gần 41 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty kỳ vọng, quý IV sẽ tiếp tục có kết quả tốt, với mục tiêu sản lượng 73.500 tấn, doanh thu 620 tỷ đồng, lợi nhuận 35 tỷ đồng.

Với nhà đầu tư, ngay khi thông tin áp thuế tự vệ được Bộ Công thương đưa ra, cổ phiếu DDV và QBS có thanh khoản tăng mạnh, có những phiên đạt trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Kỳ vọng thuế VAT về 0%

Liên quan đến doanh nghiệp ngành phân bón, giữa tháng 8/2017, Bộ Tài chính khi báo cáo định hướng sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đã đề xuất chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang chịu thuế 0%. Theo đánh giá của Bộ Công thương, quyết định này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm, tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu.

Theo quy định trước đó, do được miễn thuế VAT chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào, mà không được khấu trừ đầu ra, tác động lớn đến chi phí doanh nghiệp, "góp phần" giúp phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

Công ty Chứng khoán KIS đánh giá, ngành phân bón có triển vọng tốt trong dài hạn. Trong khi rủi ro chiều xuống rất thấp do lợi suất cổ tức ngành cao hơn mặt bằng lãi suất ở mức đáng kể, định giá trên góc độ giá thị trường/tài sản hữu hình ròng khá hấp dẫn: Chỉ số P/B hiện tại của ngành phân bón là 1,43 lần, thấp hơn 40% so với bình quân toàn sàn HOSE, chưa tính đến các yếu tố về lợi thế vô hình.

Báo cáo đánh giá tác động về chính sách này đối với ngành phân bón của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế VAT 10% chiếm hơn 50% giá vốn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi quy định này. Trong số các doanh nghiệp trên sàn, VCBS cho rằng, LAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất, với mức độ biến động lợi nhuận tăng lên sau chính sách là 77%, theo sau đó là VAF  66%, SFG 26%, DCM  22%, DPM 19%.

VCBS dự báo như vậy, nhưng theo lộ trình, việc trình và sửa đổi luật thuế nếu suôn sẻ thì hiệu lực thi hành sớm nhất cũng phải từ 1/1/2019.

Tin bài liên quan