Có lẽ, chưa bao giờ, mong muốn của doanh nghiệp về việc chuyển lửa cải cách từ Chính phủ, các bộ ngành đến các cấp thực thi lại cấp bách như lúc này.

Có lẽ, chưa bao giờ, mong muốn của doanh nghiệp về việc chuyển lửa cải cách từ Chính phủ, các bộ ngành đến các cấp thực thi lại cấp bách như lúc này.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những câu hỏi tại sao?

0:00 / 0:00
0:00
Tại sao có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được hào hứng đón nhận, nhanh chóng hưởng lợi, tạo hiệu ứng lan tỏa, trong khi vẫn còn những chính sách chỉ vài chục phần trăm doanh nghiệp được nhận?

Tại sao có những giải pháp cứu trợ doanh nghiệp mà chỉ cần đọc các điều kiện, doanh nghiệp hiểu ngay họ không có cơ hội nào?

Tại sao có những địa phương, doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các gói chính sách nhanh, kịp thời, trong khi có nơi, doanh nghiệp luôn cảm thấy không an tâm khi làm việc với cơ quan công quyền?…

Hàng loạt câu hỏi đã được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đặt ra trong các cuộc làm việc liên tục với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong hai ngày đầu tuần, để bàn về chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn cho đại dịch Covid-19.

Có thể thấy rõ, thời điểm này, mong muốn có được những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, phù hợp với đời sống thực tiễn, hoạt động của doanh nghiệp, để kịp thời hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh đang là mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp.

Một cách thẳng thắn, sau một năm giông bão với những tác động bất thường, khó dự đoán bởi Covid-19, những doanh nghiệp còn nhiệt tình tham gia nghiên cứu, gửi các đề xuất đóng góp chính sách có thể coi là những doanh nghiệp kiên cường, có năng lực chống chịu và khả năng linh hoạt cao. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang đứng trước những cơ hội được cho là hiếm có để phục hồi, vượt lên.

Nhiều doanh nghiệp điện tử đã nhắc đến cơ hội tăng trưởng do nhu cầu thiết bị điện tử phục vụ làm việc tại nhà tăng đột biến. Có doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ kể về hợp đồng “bỗng nhiên xuất hiện” khi gần như cả thế giới bị phong tỏa, chỉ một vài địa điểm như Việt Nam còn sản xuất. Hay những đơn hàng nông sản, thủy sản, dệt may… từ các thị trường lớn vẫn tiếp tục được duy trì và có dấu hiệu tăng nhanh trở lại…

Đặc biệt, sự chuyển dịch của dòng vốn FDI, các hoạt động cơ cấu lại chuỗi giá trị sản xuất, thương mại toàn cầu đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội mà với giai đoạn bình thường cũ sẽ chưa thể nhắc đến trong vài chục năm tới.

Song, doanh nghiệp liệu có tiếp nhận được đầy đủ và bền vững các cơ hội đó hay không lại là câu hỏi rất lớn. Và không ít doanh nghiệp đã trả lời là không.

Nguyên nhân có nhiều, không mới, một phần do quy mô nhỏ và vừa, nhân lực và công nghệ chưa đủ đáp ứng ngay các hợp đồng lớn, đòi hỏi tiến độ, chất lượng cao.

Để giải được bài toán này, để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam, cần chính sách dài hạn và bao trùm, từ hệ thống luật pháp đồng bộ, thúc đẩy kinh doanh an toàn, công bằng, thúc đẩy đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số… Sẽ không thể có được các chính sách này trong ngày một ngày hai.

Nhưng ngay cả khi các đối tác chấp nhận làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm hiện tại, thì những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, lãi suất cho vay vẫn cao, cộng với chi phí sản xuất gia tăng trong thời dịch dịch bệnh… khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại bước sâu hơn vào cuộc chơi lớn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhắc đến sự vô cảm của không ít công chức thực thi.

Có doanh nghiệp đã đặt câu hỏi rằng, tại sao trong lúc doanh nghiệp khó khăn, gồng mình chống chịu với dịch bệnh, với đứt gãy thị trường, thì đa phần địa phương mới chỉ lo trách nhiệm phòng chống dịch, mà không nhìn thấy hàng tắc ứ ở cảng, trên đường? Tại sao các khoản doanh nghiệp phải nộp nhưng chưa dùng đến, như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… không thể giãn, giảm mạnh, để doanh nghiệp có khoản tiền lưu thông, ít nhất là trả lương nhằm giữ người lao động? Tại sao các khoản phí hạ tầng cảng doanh nghiệp kêu ca là trùng lắp mãi vẫn chưa được Hải Phòng xem xét bãi bỏ thì tới đây TP.HCM lại thu?...

Hệ lụy của các câu hỏi tại sao này là chi phí sản xuất sẽ đội lên, đổ vào giá thành và đương nhiên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt sẽ bị đẩy xuống. Điều này cũng có nghĩa, nếu việc xây dựng, thực thi chính sách được xem xét, đánh giá sát với thực tiễn, phù hợp với tình hình và tư duy thấu hiểu của công chức, thì cơ hội để doanh nghiệp phục hồi sẽ tới. Hơn thế, mong muốn, khát vọng vươn lên giành vị trí mới trong chuỗi giá trị sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng được hậu thuẫn thêm.

Có lẽ, chưa bao giờ, mong muốn của doanh nghiệp về việc chuyển lửa cải cách từ Chính phủ, các bộ ngành đến các cấp thực thi lại cấp bách như lúc này. Và cũng chưa bao giờ, đòi hỏi được thấu hiểu, được các cơ quan quản lý nhà nước, công chức nhà nước chia sẻ của doanh nghiệp lại lớn như hiện nay.

Tin bài liên quan