Chính sách của BOJ có thể là hiện tượng "đứt gãy San Andreas" của tài chính toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) - pháo đài cuối cùng của lãi suất cực thấp - có thể gây ra những làn sóng chấn động khắp thế giới tài chính.
Chính sách của BOJ có thể là hiện tượng "đứt gãy San Andreas" của tài chính toàn cầu

Arif Husain, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định quốc tế và giám đốc đầu tư tại T. Rowe Price - quỹ đầu tư quy mô tài sản quản lý 1.300 tỷ USD cho biết: “Chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể là hiện tượng đứt gãy San Andreas (động đất lớn thường hay xảy ra ở khu vực phía nam dọc theo đứt gãy San Andreas cắt qua bang California cứ mỗi 150 năm) của thị trường tài chính toàn cầu. Tôi biết BOJ ý thức được tác động mà họ có thể gây ra đối với thị trường toàn cầu, nhưng theo quan điểm của tôi, đó là một mối nguy hiểm thực sự ở hiện tại. Tôi chắc chắn nghĩ rằng đó là điều nên được chúng tôi chú ý với tư cách là nhà đầu tư”.

Quan điểm này cũng tương tự với BlackRock và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi đã cảnh báo rằng việc bình thường hóa chính sách của BOJ có thể khiến làn sóng tiền mặt của Nhật Bản chảy ra khỏi thị trường toàn cầu và hồi hương.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đã vung hơn 3.000 tỷ USD cho các khoản đầu tư ra nước ngoài sau khi lãi suất âm duy trì ở Nhật Bản trong nhiều năm. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, đợt rút tiền lớn có thể đã được tiến hành, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán một lượng trái phiếu châu Âu kỷ lục vào năm ngoái.

Ông Arif Husain cho biết, mỏ neo cuối cùng của việc nới lỏng định lượng “có thể sắp nhường bước” và lịch sử gần đây đưa ra lời cảnh báo đáng tin cậy của ông. BOJ đã nới lỏng lợi suất trái phiếu 10 năm được kiểm soát chặt chẽ xuống một phần nhỏ vào tháng 12/2022 - một động thái làm rung chuyển mọi thứ từ trái phiếu kho bạc đến đồng đô la Úc.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu toàn cầu một lần nữa chịu áp lực trong tuần này sau khi Ngân hàng trung ương Canada và Úc bất ngờ tăng lãi suất, điều này có thể gây áp lực mới buộc BOJ phải thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các tín hiệu từ thị trường tương lai cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài chưa chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi quan trọng nào của BOJ.

Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy, những người theo dõi BOJ đã đẩy lùi dự báo của họ về thời điểm BOJ sẽ điều chỉnh chính sách sang tháng 7. Đó là bởi vì Thống đốc Kazuo Ueda đã nhiều lần báo hiệu sự cần thiết phải tiếp tục kích thích tiền tệ.

“Nếu BOJ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất, điều đó có thể trở nên quan trọng hơn rất nhiều đối với thị trường so với việc Cục Dự trữ Liên bang có tăng hay giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo hay không. Một cuộc di cư của các quỹ đầu tư từ Nhật Bản có thể gây ra một cú sốc đáng kể cho các thị trường bên ngoài Nhật Bản”.

Quyết định chính sách của BOJ sẽ được đưa ra vào cuộc họp tuần tới sau khi đánh giá dữ liệu kinh tế và diễn biến trên thị trường tài chính cho đến thời điểm trước cuộc họp. Là mỏ neo cuối cùng của lãi suất thấp toàn cầu, liệu BOJ có quyết định tránh xa việc nới lỏng hay không là yếu tố chính có thể gây ra những gợn sóng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Tin bài liên quan