“Có định giá vống giá trị DN…”
Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết, những bất cập trong quá trình xác định giá trị DN như một số ý kiến nêu, chủ yếu do Ban chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) DN, cũng như đơn vị tư vấn, xác định giá trị DN… chưa hiểu và áp dụng đúng các cơ chế hiện có, chứ không phải do chính sách bất cập. Khi họ gặp vướng mắc này, đã không kịp thời báo cáo đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính, để tìm hướng giải quyết, mà cứ nghĩ vướng mắc là do quy định pháp lý, nên dẫn đến CPH chậm.
Ông Tiến cho biết thêm, cả Ban chỉ đạo CPH tại không ít DN, lẫn đơn vị tư vấn CPH, xác định giá trị DN, đều chưa hiểu đúng vai trò, quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn CPH, xác định giá trị DN. Trong khi đơn vị tư vấn chỉ đưa ra mức giá xác định giá trị DN theo đúng nghĩa là tư vấn, để Ban chỉ đạo CPH xem xét, quyết định, thì đang tồn tại thực tế: đơn vị tư vấn nhầm vai là Ban chỉ đạo CPH, khi tìm cách “chốt” giá trị DN.
Thậm chí, đơn vị tư vấn “đi đêm” với Ban chỉ đạo CPH, để nâng vống giá trị DN. Có những khoản mục tài sản, nếu xác định theo giá thị trường chỉ đáng giá 5 đồng, nhưng để làm “đẹp lòng” ban chỉ đạo CPH, đơn vị tư vấn định giá 6 - 7 đồng (theo giá trị sổ sách). Hệ quả là làm vống giá trị DN khi đưa cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
“Giá trị cổ phần đưa ra IPO có phản ánh xác thực giá trị DN hay không, một phần phụ thuộc vào khâu tư vấn CPH, xác định giá trị DN. Nếu có yếu tố ảo về giá trị của DN khi đưa ra IPO, thì có trách nhiệm của đơn vị tư vấn, xác định giá trị DN. Giá trị DN chỉ là 5 đồng, mà định giá vống lên 6 - 7 đồng, thì bán sao được…”, ông Tiến cảnh báo, đồng thời nhìn nhận, vẫn còn tư duy cũ trong ban chỉ đạo CPH tại một số DN, khi nghĩ rằng định giá DN cao là tốt, vì an toàn cho ban chỉ đạo CPH lẫn đơn vị tư vấn, xác định giá trị DN.
Đây là điều bất ổn… Trong quá trình hậu kiểm DN sau CPH, nếu Bộ Tài chính, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hiện đơn vị tư vấn CPH, xác định giá trị DN, cũng như ban chỉ đạo CPH nâng vống giá trị DN, dẫn đến CPH chậm, DN tổ chức IPO không thành công, đơn vị tư vấn CPH, xác định giá trị DN, cũng như ban chỉ đạo CPH phải chịu trách nhiệm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, về nguyên tắc, khi xác định giá trị DN, với những loại tài sản, các khoản mục đầu tư có liên quan đến những DN đã niêm yết, hay đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì tuân thủ theo giá thị trường.
Với những tài sản, khoản mục đầu tư mà DN đầu tư tài chính vào các DN chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung, đơn vị tư vấn CPH, xác định giá trị DN cần căn cứ theo quy định hiện hành về CPH, cũng như chuẩn mực thẩm định giá, để đưa ra hai hoặc nhiều hơn các phương án xác định giá theo giá thị trường, hoặc trường hợp khó có căn cứ xác định theo giá thị trường, thì tính theo giá trị sổ sách, để ban chỉ đạo CPH xem xét, quyết định.
Tránh bưng bít thông tin
Để khắc phục những bất ổn liên quan đến khâu xác định giá trị DN, qua đó tránh gây nghi ngờ cho NĐT về tính xác thực của giá trị DN, theo ông Tiến, ngoài đòi hỏi tính khách quan, độc lập của các đơn vị tư vấn CPH, xác định giá trị DN, còn đòi hỏi ban chỉ đạo CPH cần minh bạch thông tin từ khâu xác định giá trị DN, cho đến khi công bố thông tin trước và sau IPO.
Mua cổ phiếu của DN CPH, NĐT rất cần biết mức giá đưa ra IPO được tính toán, định giá như thế nào. Bởi vậy, ông Tiến cho rằng, tại một DN, ban chỉ đạo CPH cần minh bạch thông tin: nếu gần như tuyệt đại đa số các loại tài sản của DN được xác định theo giá thị trường, thì giá trị DN là như thế nào, còn nếu một phần đáng kể tài sản được định giá theo giá trị sổ sách, giá trị DN ra sao, để NĐT xem xét quyết định có đầu tư hay không? Khi NĐT thắc mắc về mức giá khởi điểm đưa cổ phần ra IPO, ban chỉ đạo CPH cần giải đáp kịp thời, rõ ràng, không né tránh.
“Về phía NĐT, cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định tham gia vào các đợt IPO, tránh tình trạng không nắm được thông tin kỹ lưỡng mà đưa ra quyết định đầu tư, dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, đòi truy cứu trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại DN trước khi CPH. Đòi hỏi này sẽ khó được giải quyết, do DN đã đổi chủ sau CPH...”, ông Tiến khuyến nghị.