Chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tại Lâm Đồng

(ĐTCK) Nhằm cân bằng giữa sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tài chính - ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế quốc dân, Chính phủ đã sử dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Để làm rõ hơn vai trò và hiệu quả của chính sách BHTG, phóng viên đã phỏng vấn ông Trương Quốc Thụ, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. 

Xin ông cho biết quan điểm của mình về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHTG đối với hoạt động ngân hàng tại địa phương?

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều thách thức, nền kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành ngân hàng đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Đạt được kết quả đó là thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành, từng đơn vị mà trong đó BHTG Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. 

Chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tại Lâm Đồng ảnh 1

 Ông Trương Quốc Thụ, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng.

BHTG Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước được thành lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Thực tế đã cho thấy, chính sách BHTG có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sự hiện diện của BHTG Việt Nam tạo cho người dân tâm lý yên tâm khi gửi tiền vào các TCTD. Mặt khác, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, chính sách BHTG đã góp phần giúp các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. 

Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, chính sách BHTG có vai trò như thế nào?

Quỹ tín dụng nhân dân là một loạt hình tổ chức tín dụng hợp tác do các tổ chức cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để thực hiện một số hoạt động ngân hàng, nhằm mục tiêu chủ yếu là tượng trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Từ khi thành lập đến nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đã thực hiện được mục tiêu hình thành và phát triển mô hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn nông thôn và những nơi cần thiết.

Với lợi thế gần dân, hiểu dân hơn so với các loại hình TCTD khác, quỹ tín dụng nhân dân là một kênh huy động vốn và cho vay quan trọng đã đóng góp ngày càng tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo như góp phần ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngành nghề tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và đẩy lùi một số tệ nạn ở nông thôn và đóng góp có hiệu qủa trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay tỉnh Lâm đồng có 100% (23/23) quỹ tín dụng nhân dân tham gia bảo hiểm tiền gửi. Việc tham gia bảo hiểm tiền gửi của các quỹ tín dụng nhân dân đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, cùng với hoạt động thanh tra giám sát của NHNN, nghiệp vụ giám sát kiểm tra của BHTGVN tạo thành một kênh giám sát rủi ro độc lập, từ đó góp phần kiểm soát rủi ro hoạt động ngân hàng một cách toàn diện, đầy đủ.

BHTG Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHNN trong quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đồng thời chia sẻ thông tin, phối hợp hiệu quả và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD trên địa bàn.

Với những đóng góp không nhỏ của chính sách BHTG, hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn nhìn chung tương đối an toàn, hiệu quả, phát huy được những ưu thế riêng trong công tác huy động vốn, cho vay, thu nợ, do đó uy tín của các quỹ ngày càng được nâng cao.

Vì thế, tiền gửi huy động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không ngừng tăng lên. Hiện nay, quy mô vốn huy động và dự trữ khoảng 4.400 tỷ đồng (bình quân 190 tỷ đồng/quỹ).

Vốn huy động tăng trưởng ổn định giúp cho hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân có thể mở rộng quy mô, duy trì hoạt động một cách bền vững.

Đây chính là yếu tố tích cực tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ thành viên phù hợp với mục tiêu hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là huy động nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi phục vụ lại chính họ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống của thành viên trong địa bàn hoạt động.

Theo ông cần phải làm gì để chính sách BHTG phát huy hiệu quả hơn nữa tại địa phương?

Khó khăn, thách thức những tháng cuối năm 2017 vẫn còn rất lớn, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng rất nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.

NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho các TCTD nói chung và quỹ tín dụng nhân dân nói riêng trên địa bàn hoạt động an toàn, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHTG Việt Nam nhằm góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017.

Về phía BHTG Việt Nam, theo tôi, BHTG Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG để người dân nói chung, người gửi tiền nói riêng hiểu rõ, từ đó biết được quyền lợi của mình được bảo vệ như thế nào.

Về lâu dài, nghiên cứu áp dụng cơ chế tính phí BHTG theo rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG nhằm đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tham gia BHTG và góp phần duy trì kỷ luật thị trường.

Tin bài liên quan