Ông Nguyễn Văn Chung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cho biết, số lượng QTDND trên địa bàn tỉnh tuy không nhiều, nhưng tăng trưởng khá và kết quả này có sự đóng góp thiết thực của chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả, trong đó các QTDND đã từng bước được nâng cao năng lực tài chính.
Hiện nay, toàn tỉnh có 26 QTDND hoạt động trên phạm vi 8 huyện, thị xã, thành phố, thu hút gần 21.000 thành viên, bình quân mỗi quỹ có hơn 800 thành viên.
Hầu hết các QTDND thực hiện nghiêm túc tỷ lệ an toàn trong hoạt động, quy mô tiếp tục tăng trưởng, nợ xấu thấp hơn giới hạn cho phép, chấp hành nghiêm túc việc điều hành lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đang khẳng định vai trò, vị trí của loại hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.
Không chỉ là địa chỉ đáng tin cậy cho nhân dân gửi tiền thuận lợi, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, QTDND còn là kênh cung cấp nguồn vốn sản xuất, kinh doanh cho các hộ dân, góp phần đắc lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Chung, cho biết BHTG là chính sách có ý nghĩa thiết thực, tác động mạnh đến sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là QTDND ở Bắc Ninh.
Đã có một thời gian, nhắc đến QTDND không ít người e ngại vì những dư âm của sự đổ vỡ, người dân mất tiền gửi… Ngày nay, có BHTG nhiều người đã yên tâm mang những đồng tiền chắt chiu dành dụm đến QTDND để “trao gửi niềm tin”.
Nhờ đó, tăng trưởng huy động vốn của các QTDND thời gian qua luôn năm sau cao hơn năm trước, tạo ra nguồn vốn dồi dào cho các thành viên vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Các QTDND ở Bắc Ninh đã có nhiều khởi sắc.
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND đạt gần 3.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay gần 2.000 tỷ đồng, tăng 7,67% so với cuối năm 2017.
“Mặt khác, thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai chính sách BHTG, đặc biệt là công tác giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những yếu kém, sai phạm của các QTDND để cảnh báo với QTDND và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp chấn chỉnh, xử lý, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống QTDND. Nhiều sai sót trong công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, cho vay, hạch toán, thu chi tiền mặt, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách… hay sai sót về tính, nộp phí BHTG đã được chỉ ra và nhanh chóng được xử lý”, ông Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG, các QTDND cũng cần nắm chắc, hiểu rõ chính sách BHTG để khi giao dịch có thể tuyên truyền, giải thích cho khách hàng. Tuyên truyền chính sách BHTG là tuyên truyền cho chính các QTDND. Gần dân và sát dân, QTDND là nơi “chuyển tiếp” chính sách tới người gửi tiền nhanh và trực tiếp nhất.
Chính sách BHTG đã và đang được hoàn thiện, từ Nghị định và đến nay là Luật BHTG và các văn bản dưới luật, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người gửi tiền và các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, bất cứ chính sách nào khi đi vào cuộc sống cũng phát sinh những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện và BHTG không phải ngoại lệ.
“Mong rằng các cơ quan chức năng sớm xem xét sửa đổi Luật BHTG, quy định cởi mở hơn để BHTG thực sự hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của QTDND, nhất là giúp QTDND gặp khó khăn vươn lên như: cho vay đặc biệt, xử lý QTDND yếu kém…Về lâu dài, cần nghiên cứu áp dụng tính phí BHTG phân biệt, theo đó quỹ nào rủi ro cao thì phải nộp phí BHTG cao và ngược lại”, ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.