Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thể hiện quan điểm về Thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện báo cáo về Thuế tối thiểu toàn cầu, tập trung vào 5 nhóm vấn đề cốt lõi.
Cơ khí, chế tạo là ngành nghề đang thu hút mạnh vốn FDI của Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Cơ khí, chế tạo là ngành nghề đang thu hút mạnh vốn FDI của Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 120/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính về kết quả nghiên cứu, thời gian hoàn thành báo cáo "Chính sách Thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động đến Việt Nam".

Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính mới chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư.

Vì thế, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước "nguồn" cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, theo đó tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi.

Đó là: Quá trình hình thành và nội hàm Thuế suất tối thiểu toàn cầu;

Khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia;

Làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua;

Phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của Thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước, nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam;

Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của Thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.

Đây là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

Trước đó, ngày 15/12/2022 Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%.

Ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024.

Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn, là các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu.

Điều này sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam nếu chúng ta không kịp thời có các chính sách ứng phó.

Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế; song ngược lại, có thể bị giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia phát triển.


Tin bài liên quan