Bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam (bên phải) trao đổi với chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset

Bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam (bên phải) trao đổi với chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset

“Chính phủ phải kết hợp thận trọng mở cửa biên giới với triển khai gói kích thích tài khóa“

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quan điểm của bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam được đưa ra cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trước đại dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc buổi công bố Báo cáo điểm lại với tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19” bà Stefanie Stallmeister đã nói: “Đáng tiếc là tôi không phải cảnh báo cho các quý vị rằng chúng ta hiện sống trong thời đại không bình thường. Sau khi cướp đi sinh mạng của trên 650.000 người và thêm 16 triệu người bị lây nhiễm trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 đã trở thành cú sốc y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua”.

Theo bà Stefanie Stallmeister, Chính phủ các quốc gia trên thế giới buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa cứu sống nhân mạng hay hạn chế hoạt động kinh tế.

Trong lúc phần đông các quốc gia còn do dự chưa biết nên quyết theo hướng nào thì Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn. Các biện pháp ứng phó sớm - theo dõi và xét nhiệm có mục tiêu, công bố thông tin minh bạch, kết hợp với các chiến dịch truyền thông sáng tạo - cho thấy hiệu quả rất cao đến thời điểm này.

Mặc dù có vị trí nằm gần trung tâm nguồn gốc của đại dịch và với dân số tương đối lớn, Việt Nam đã chiến thắng số mệnh với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng hạn chế và số ca tử vong do COVID-19 bằng không kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng từ đầu năm 2020. 

Bà Stefanie Stallmeister cho biết, mới cách đây vài ngày, cuộc sống ở Hà Nội dường như đã quay lại bình thường hoặc gần tương tự như trước khi có đại dịch COVID-19. Thủ đô lại được chứng kiến cảnh đường xá tấp nập, công trình xây dựng ồn ào, các quán trà và café trên phố đầy ắp người. Quang cảnh quen thuộc quay trở lại như cũ rõ ràng nhờ vào chính sách của Chính phủ giúp kiềm chế dịch, góp phần tránh tổn thất về người.

“Nhưng nếu nói trạng thái bình thường đã được khôi phục nhanh chóng thì có lẽ chưa khách quan”, bà Stefanie Stallmeister nhấn mạnh, “thực chất, chúng ta phải ghi nhận rằng Việt Nam, cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vẫn có khả năng bị tổn thương bởi đại dịch trong điều kiện chưa có vác-xin để bảo vệ loài người.

Đợt lây nhiễm cộng đồng mới bùng phát gần đây tại Đà Nẵng, giống như ở Bắc Kinh hoặc Melbourne trước đó, một lần nữa nhắc nhở về sự mong manh của chúng ta và rủi ro về khả năng tiếp diễn những đợt sóng COVID-19 mới”. 

Cũng như nhiều quốc gia khác, bà Stefanie Stallmeister cho rằng, rủi ro đối với Việt Nam không chỉ ở mặt trận y tế mà cả ở mặt trận kinh tế. COVID-19 đến nay được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong 35 năm qua.

Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu của năm, nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng được có 1,8%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia. Đại dịch cũng gây khó khăn kinh tế cho nhiều người. 

Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã ước tính có khoảng 30 triệu người lao động, tương đương một nửa lực lượng lao động, đã có lúc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Trong số đó, khoảng 8 triệu người bị mất việc làm/thu nhập.

Các chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4 rõ ràng đã giúp sức cho nhiều hoạt động kinh tế trong nước, bao gồm cả của các hộ kinh doanh cá thể. Nhưng các ngành nghề chủ đạo vẫn phải chịu bất an về tài chính, như ngành du lịch, vận tải hàng không, chế tạo và chế biến xuất khẩu. 

“Việt Nam không nên tư duy theo hướng trạng thái bình thường sẽ quay lại như cũ. Thay vào đó, Việt Nam nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao, khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới đầy bất định cả ở trong nước và trên quốc tế trong thời gian tới”, bà Stefanie Stallmeister nói.

Bà Stefanie Stallmeister cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước, đang bị yếu đi.

Trên quan điểm đó, Chính phủ sẽ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng kết hợp thận trọng mở cửa biên giới với triển khai gói kích thích tài khóa quy mô và hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất.

COVID-19 đã tác động đến hầu như mọi người, nhưng không phải ai cũng như nhau. Chính vì vậy, tình trạng bất bình đẳng mới sẽ nảy sinh, đòi hỏi sự quan tâm của Chính phủ. 

“Trong nguy luôn có cơ. Tôi hi vọng rằng các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng khủng hoảng lần này, khác với những lần trước đó và nếu được quản lý tốt có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Để vươn lên tầm cao mới thì đồng thời cũng phải chịu nhiều gian lao”, bà Stefanie Stallmeister nói.

Tin bài liên quan