Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các tập đoàn kinh tế tư nhân

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các tập đoàn kinh tế tư nhân

Chính phủ nghe lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hiến kế vượt qua khó khăn dịch bệnh

(ĐTCK) Sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, những hiến kế sáng tạo, chủ động của khu vực kinh tế tư nhân nhằm đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan toàn cầu. 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp nêu lên các vấn đề một cách chân thành để đưa ra những gợi ý cho Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bao gồm việc tạo thị trường mới, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để chính sách của Chính phủ sát với thực tế. 

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh dân tộc Việt Nam là dân tộc kiên cường, vượt qua những khó khăn, gian khổ, do đó trong bối cảnh này, các thành phần kinh tế cần đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn. 

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết, từ khi phát sinh dịch 12.000 buồng phòng của đơn vị đã bị hủy. Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đưa ra một số đề xuất liên quan tới thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thuê đất..., bao gồm nộp thuế GTGT chậm 9 tháng đến 1 năm, giảm 50% thuế GTGT, gia hạn nộp thuế 12 tháng đối với các khoản nộp thuế GTGT của các tháng 2, 3, 4, 5, 6; đề xuất gia hạn nộp tiền thuê đất 12 tháng. Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định các doanh nghiệp rất yên tâm và quyết tâm cùng Chính phủ, các Bộ, ban ngành duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh

Đại diện cho hãng hàng không Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cũng đưa ra những ý kiến đóng góp trực tiếp, thẳng thắn liên quan tới hoạt động kinh tế du lịch, hàng không. Theo đó, đề xuất cần có các giải pháp về nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp... Đề xuất phối hợp cùng các quốc gia trong khu vực Asean với vai trò Việt Nam là chủ tịch nhiệm kỳ Asean để có được những quyết sách chung về tiền tệ, tài chính, thương mại, du lịch. 

Lãnh đạo Vietjet cũng chỉ ra sự cần thiết triển khai đồng bộ các gói giải pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch. Biến thách thức thành cơ hội để xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực, một dất nước du lịch xinh đẹp, an toàn và hiếu khách. 

Trong giai đoạn này, theo bà Yến Phương, cần thúc đẩy thu hút đầu tư, trong đó bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không..., thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tuỳ theo ngành nghề đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, doanh số thanh toán hàng năm của Vietjet là trên dưới 2 tỷ USD. Mặc dù giao dịch trên Internet nhưng tỉ lệ thu hộ bằng tiền mặt lại rất cao. Vietjet có nhu cầu phát hành ví điện tử và đề nghị NHNN ủng hộ, tạo điều kiện.

Vietjet đề xuất có các giải pháp giảm thuế, phí, trong đó đối với hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng. Đây cũng là nội dung đề xuất được nhiều lãnh đạo các tập đoàn  đồng tình kiến nghị tới các lãnh đạo Chính phủ.

Chính phủ nghe lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hiến kế vượt qua khó khăn dịch bệnh ảnh 1

 Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet 

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong cũng đưa ra những khó khăn của ngân hàng thương mại khi triển khai các hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn tại thời điểm này do vừa phải giảm lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải trích lập dự phòng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp cùng các cán bộ nhân viên lúc này chính là những "pháo đài" vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Thành bại của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế đất nước lúc này phụ thuộc vào 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh.

Thủ tướng cho biết, bên cạnh những chỉ đạo, hướng dẫn đã ban hành, những kế sách, đóng góp của các doanh nghiệp hôm nay sẽ phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được sát với thực tế. Việt Nam phải đón bắt thời cơ này để đuổi kịp các quốc gia đang phục hồi, chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ của đất nước. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cả nước đoàn kết, ý chí mới, tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ để khi qua cơ đại dịch sẽ có tâm thế mới, quyết tâm mới trong phát triển.

Tin bài liên quan