Tuy nhiên, nhìn khoản nợ khó đòi gần 300 tỷ đồng sẽ đeo đẳng Sasco sau cổ phần hóa, nhiều ý kiến cho rằng, đó không đơn giản là một rủi ro nhà đầu tư cần nhận diện, mà điều lớn hơn là về quy định xử lý nợ khó đòi tại các DNNN có thể kéo dài quá trình CPH DNNN thành công.
Khảo sát của ĐTCK với một số CTCK làm tư vấn cho thấy, trong quá trình IPO một DNNN, giai đoạn mất thời gian nhất chính là định giá, kế đến là xử lý công nợ, rồi mới đến việc tìm đối tác chiến lược. Vấn đề định giá tài sản luôn bị mắc lại khâu định giá tài sản lớn như đất đai, bởi khung giá Nhà nước quá khác biệt so với giá thị trường. Vì lẽ đó, các cơ quan chức năng rất khó quyết định được giá trị tài sản.
Đối với công nợ, nhất là công nợ tồn đọng phải thu, phải trả, nếu các khoản nợ này lớn thì việc xử lý mà dẫn đến việc giảm vốn Nhà nước là điều rất khó khăn, ngay cả với các khoản nợ mà DNNN không còn khả năng thu hồi.
Theo quy định, nếu muốn xoá khoản nợ khó đòi thì đơn vị nợ phải tuyên bố phá sản, giải thể. Do đó, phần nợ dù khó có khả năng thu hồi thì DNNN cũng không được xoá nợ và vẫn được tính trong phần vốn của Nhà nước khi định giá tài sản DNNN trước khi IPO. Điều này khiến DNNN kém hấp dẫn trong mắt NĐT.
Tại Sasco, giá trị DN xác định để CPH là 1.990 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước được xác định là 1.313 tỷ đồng, tăng 44,05% so với giá trị sổ sách, do khi xác định giá trị tài sản Nhà nước trước khi IPO thì công ty phải hoàn nhập dự phòng, tức 295 tỷ đồng trên sẽ được tính vào phần vốn của Nhà nước, dù trên thực tế Nhà nước không hoặc không chắc thu hồi được khoản nợ khó đòi.
Báo cáo tài chính năm 2013 của Sasco cho biết, Công ty đã trích lập dự phòng khoản phải thu dài hạn hơn 295 tỷ đồng, bao gồm hơn 265 tỷ đồng liên quan đến khoản chi hộ cho Công ty Liên Doanh Nhà Việt (Viet Home GMBH) - một công ty con của SASCO (hiện có lỗ lũy kế vượt vốn đầu tư với khả năng trả nợ thấp) và 30 tỷ đồng còn lại liên quan đến khoản góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng vào Tracimexco.
Cả hai khoản phải thu này đều đã quá hạn hơn 3 năm và được coi là các khoản phải thu khó đòi. Theo quy định, Công ty phải trích lập 100% dự phòng rủi ro cho khoản này và thực tế, Công ty đã trích đúng quy định.
Nếu định giá DNNN theo cách thị trường mong đợi, thì khoản nợ không có khả năng thu hồi trên phải không được tính trong giá trị phần vốn Nhà nước khi xác định tài sản trước IPO. Tuy nhiên, khi định giá DNNN để cổ phần hóa, gần 300 tỷ đồng được hoàn nhập. Hiểu đơn giản rằng, giá trị phần vốn Nhà nước trước IPO tính luôn cả phần phải thu khó đòi trên.
Về hướng xử lý khoản phải thu dài hạn trên, đại diện Sasco cho biết, khi Sasco chuyển thành CTCP, dựa vào quy định và ý kiến của ĐHCĐ để đưa ra phương án trích lập dự phòng và xử lý công nợ cho các năm tiếp theo. Hiện tại, Ban lãnh đạo Công ty vẫn thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tạo lợi nhuận, từ đó thu hồi công nợ. Cần lưu ý hơn, CTCP liên doanh Nhà Việt được thành lập tại Đức, và là doanh nghiệp tạo cầu nối giao thương giữa hai nước hơn là để tạo lợi nhuận.
Tuy nhiên, phần vốn Nhà nước tăng 44% do phải hoàn nhập dự phòng theo quy định, tăng giá trị tài sản của Nhà nước có thể sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư. Trong trường hợp khoản nợ thu hồi lại được thì không có gì để bàn, nhưng nếu không thu hồi được, đồng nghĩa với việc vốn góp của Nhà nước không đủ tỷ lệ trong cơ cấu vốn điều lệ như lúc IPO.
Bên cạnh đó, với vốn điều lệ không thực sẽ ảnh hưởng đến định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể, đến việc chia cổ tức, rõ ràng, với tỷ lệ vốn góp danh nghĩa lớn thì cổ đông Nhà nước sẽ nhận được lợi tức tương ứng, đây cũng là điểm không công bằng cho các nhà đầu tư đại chúng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên có quy định cho phép xoá nợ khó đòi khi có đủ bằng chứng về đơn vị nợ khó hoặc không có khả năng trả nợ mà không cần tuyên bố phá sản, nhưng khoản nợ đó vẫn được theo dõi và tìm cách thu hồi ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó. Nếu không thu hồi được, Nhà nước phải chấp nhận mất đi phần vốn của mình. Nếu thu hồi được, có thể CTCP sau IPO sẽ đưa ra phương án bán cổ phần theo tỷ lệ vốn Nhà nước tăng thêm theo mệnh giá.
Từ năm 2010-2013, doanh thu tăng trường bỉnh quân trên 8/năm, lợi nhuận là 12%/năm, đồng thời Sasco có vị thế độc quyền kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất, nên Sasco là cơ hội đầu tư tốt. Tuy nhiên, DN sau cổ phần hóa đeo đẳng một khoản phải thu khó đòi đã 3 năm lên đến gần 300 tỷ đồng và CTCP sau này vẫn phải tiếp tục trích lập lại, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty cũng là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, Sasco chỉ là một trường hợp trong nhiều DNNN khi cổ phần hóa buộc phải hoàn nhập dự phòng các khoản nợ đã được trích lập trước đó khi xác định phần vốn Nhà nước. Thực tế này đòi hỏi quy định pháp lý thông thoáng hơn để đẩy nhanh quá trình CPH thành công DNNN và tạo công bằng cho NĐT đại chúng.