Chính phủ Mỹ đóng cửa, kinh tế thế giới vẫn "khỏe"

Chính phủ Mỹ đóng cửa, kinh tế thế giới vẫn "khỏe"

Giới phân tích nhận định kinh tế toàn cầu vẫn có thể trụ vững trước tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, lần đầu tiên trong 17 năm, kể cả khi thị trường tài chính biến động mạnh lên trong những ngày tới.

Ông Tomo Kinoshita, kinh tế trưởng của Nomura Holdings (Nhật Bản) cho biết, Chính phủ đóng cửa một tuần chỉ có thể tác động gần 0,1% lên GDP của Mỹ. "Các nhà đầu tư có thể sợ rủi ro hơn vì sự kiện này. Tuy nhiên, bất kỳ tác động nào lên kinh tế toàn cầu cũng sẽ chỉ là ngắn hạn", quan chức Bộ Tài chính Hàn Quốc - Choi Hee Nam cho biết trên Bloomberg.

Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đóng cửa một phần từ ngày 1/10 sau khi Quốc hội đàm phán thất bại về vấn đề ngân sách cho tài khóa 2014. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã phải nghỉ việc vô thời hạn vì sự kiện này. "Tôi không nghĩ việc này sẽ có tác động đáng kể đến các nước khác. Về cơ bản mà nói, nó ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ là chính”, ông Kinoshita nhận định trước khi sự kiện đóng cửa chính phủ xảy ra.

 

Các nền kinh tế khác sẽ chịu ảnh hưởng không đáng kể từ Mỹ. Ảnh: Bloomberg

 

Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài ít nhất một tháng, tăng trưởng của Mỹ trong quý IV có thể giảm 1% - 2%. Đến lúc đó, nhu cầu với hàng hóa châu Á sẽ bị tác động. Các nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu và chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất tại Mỹ như Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc sẽ chịu tác động lớn nhất.

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, nước này có thể phải đối mặt với một số tác động tiêu cực nếu việc đóng cửa Chính phủ Mỹ kéo dài, làm giảm tiêu dùng và phục hồi kinh tế tại đây. Dòng vốn nóng cũng có thể ồ ạt rút khỏi các thị trường mới nổi do e ngại rủi ro toàn cầu.

Tuy nhiên, Tim Condon - trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ING Group lại cho biết: "Những ước tính về thiệt hại hiện vẫn thấp. Tôi nghĩ rằng những con số này là quá nhỏ để có tác động thực sự". "Chính phủ bị đóng cửa lâu lại là một câu chuyện khác. Nhưng những lần trước đây chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có tác động không đáng kể đến hoạt động kinh tế", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, niềm tin vào khả năng điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới của các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể cũng bị phương hại. "Các quốc gia trong khu vực không khỏi thất vọng bởi tình trạng tê liệt chính trị đang đeo bám Washington trong những năm qua," Evan Resnick - giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ( Singapore ) cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang bám sát biến động thị trường. Hàn Quốc sẽ theo dõi tác động của việc đóng cửa Chính phủ Mỹ và thị trường tài chính, Bộ trưởng Tài chính - Hyun Oh Suk cho biết. Họ cũng sẽ thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường tài chính nếu cần thiết.

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka - Nandalal Weerasinghe thì cho rằng: "Về trung và dài hạn, kinh tế Mỹ suy giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi tin rằng Mỹ sẽ có cách giải quyết, không phải hôm nay thì chí ít là trong khoảng một tuần tới".

"Chúng tôi hy vọng tình trạng bế tắc hiện nay sẽ được giải quyết mà không ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu. Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa thấy bất kỳ tác động lớn nào đến Ấn Độ", Arvind Mayaram, Thứ trưởng Tài chính phụ trách về kinh tế Ấn Độ nhận xét.