Đây sẽ là số tiền phạt lớn nhất của hãng nộp cho Chính phủ Mỹ, đồng thời là một trong những khoản bồi thường tiền khủng hoảng cao nhất giới ngân hàng, theo Financial Times. Con số này lớn hơn rất nhiều khoản JPMorgan dự tính phải trả cho scandal giao dịch "Cá voi
Cơ quan Tài chính Nhà ở liên bang (FHFA) đã kiện JPMorgan và 17 ngân hàng khác năm 2011. Họ cho rằng, ngân hàng này đã cam kết sai về 33 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp và "phóng đại khả năng trả nợ của khách hàng".
JPMorgan có thể phải trả hơn 6 tỷ USD bồi thường cho Chính phủ Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Những chứng khoán trên đã được bán cho hai đại gia cho vay thế chấp Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac. Khi những người vay tiền bắt đầu vỡ nợ năm 2007, giá trị những chứng khoán này đều tụt dốc.
Dù JPMorgan từ chối trả số tiền như Chính phủ yêu cầu, giới phân tích cho rằng, hãng sẽ vẫn phải nộp ra hàng tỷ USD. Thậm chí, họ cũng có thể thắng kiện. Tuy nhiên, các vụ án trước đây cho thấy, ngân hàng nào cũng sẽ phải trả một khoản kha khá nếu bị quy trách nhiệm trong khủng hoảng nhà đất.
Tháng trước, UBS đã phải trả 885 triệu USD vì gây ra khoản thiệt hại ước tính 1,15 tỷ USD. Các ngân hàng cũng bị phạt nặng khác là Bank of America và Ngân hàng hoàng gia Scotland (RBS).
Mệnh giá số trái phiếu được JPMorgan bán ra cao gấp 5 lần UBS. Thêm vào đó, với những trường hợp nhà băng bị cáo buộc lừa đảo, Chính phủ Mỹ thường xử lý tương đối nặng tay.
Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang tìm cách để không phải trả số tiền trên. Một điểm gây tranh cãi trong vụ kiện là phần lớn số chứng khoán trên được bán bởi WaMu và Bear Stearns, hai công ty được JPMorgan mua lại trong khủng hoảng với sự hỗ trợ của Chính phủ. Jamie Dimon - CEO JPMorgan trước đó đã phàn nàn họ không nên bị phạt vì sai sót trong quá khứ của hai công ty này.