Chính phủ muốn sớm sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ muốn bổ sung Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để kịp thời thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Đề nghị lùi thời gian sửa Dự án Luật Dầu khí từ năm 2021 sang năm 2022, Chính phủ đồng thời muốn bổ sung Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để kịp thời thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành.

Đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập

Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 đã được Quốc hội khóa XIV quyết định từ kỳ họp giữa năm 2020, không có Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Ngày 25/2/2021, Chính phủ có Tờ trình số 63/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV nhằm sớm hoàn thiện thể chế về hoạt động dầu khí, tạo cơ sở cho ngành dầu khí đạt các mục tiêu phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Thẩm tra sau đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2021, Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình điều chỉnh, bổ sung, đề nghị được lùi thời gian trình Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) 1 kỳ họp để đảm bảo việc xây dựng luật này được thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị nội dung bảo đảm chất lượng

Đáng chú ý, tại tờ trình mới, Chính phủ đề nghị bổ sung Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, cụ thể là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Trước đó, tại Tờ trình số 63/TTr-CP về Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị 9 dự án, song không có dự án luật này.

Sự cần thiết sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Chính phủ là, hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Hiến pháp (năm 2013) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân; nhiều luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Bộ luật Dân sự (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015), Luật An ninh mạng (năm 2018)…

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau 10 năm có hiệu lực đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài...

Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “Tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (năm 2010), trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới”.

Cần hướng đến thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công thương đánh giá tác động của 7 vấn đề đòi hỏi phải có chính sách mới quan trọng, có thể ảnh hưởng, tác động tới nhiều đối tượng có liên quan.

Cụ thể là: nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định về thu hồi hàng hóa có khuyết tật; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong các hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung; sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp và bổ sung vai trò của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; sản xuất và tiêu dùng bền vững; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật nhằm mục tiêu tạo cơ chế để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh, gần đây, có sự thay đổi mạnh mẽ về quan hệ kinh doanh với phương thức, mô hình kinh doanh mới và thay đổi hành vi tiêu dùng. Trong khi đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành hơn 10 năm trước, được quy định dựa trên các quan hệ kinh doanh truyền thống, không còn phù hợp để bảo vệ hiệu quả quyền lợi người tiêu dùng và rõ ràng cần thiết phải được rà soát, sửa đổi.

Theo Bộ Công thương, năm 2020 ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng so với những năm trước. Cục này đã tiếp nhận 1.428 phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, nhiều phản ánh về hiện tượng tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (chủ yếu liên quan đến các giao dịch trên môi trường mạng); vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, lần sửa đổi này phải có sự cân bằng giữa lợi ích người sản xuất, bán hàng và người tiêu dùng. Nếu quy định mới mà không phù hợp, thì sẽ gia tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, hạn chế đổi mới sáng tạo và vô hình trung sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, chứ không phải là bảo vệ người tiêu dùng.

“Điều quan trọng là, việc sửa luật lần này phải hướng đến thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Theo Báo cáo tổng kết Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Công thương, nếu trong giai đoạn 2012 - 2015, trung bình hàng năm chỉ có trên dưới 300 khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng gửi tới Bộ Công thương, thì trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng khiếu nại, phản ánh được gửi tới đều trên dưới 1.500 vụ việc, năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thông qua và có hiệu lực gần 10 năm, tuy nhiên, quyền của người tiêu dùng chưa được bảo vệ hiệu quả như kỳ vọng, quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm hại, tranh chấp tiêu dùng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Tin bài liên quan