Những bước lui chân của Nhà nước
Danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa tới năm 2020 với tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ cụ thể trong từng doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào cuối tháng 12 vừa rồi, đúng như cam kết của ông tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ký một danh mục mang tính áp đặt trực tiếp lên các cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là các bộ, ngành, địa phương. Với quyết định này, Thủ tướng đã cắt đi khoảng 1 tới 2 năm, thời gian mà các bộ, ngành địa phương thường phải mất để xây dựng danh mục này, nếu theo cách làm cũ.
Nhà nước đang ngồi về đúng vị trí của mình, trả lại quyền quyết định phương thức kinh doanh cho doanh nghiệp. Đó là tin vui!
- TS. Nguyễn Đình Cung.
Sự áp đặt này cũng chấm dứt mọi lừng khừng từ những ông chủ giả - theo cách tự nhận của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trần Quang Nghị khi nói về chính mình - trong việc thực thi yêu cầu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đưa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật thị trường.
Nói theo cách của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), vị trí tuyệt đối hay đặc quyền trong nhiều ngành, lĩnh vực của doanh nghiệp nhà nước, của đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước đã bị lung lay theo nghĩa tích cực.
Số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn chỉ còn lại 103. Hàng loạt tên tuổi lớn như VNPT, MobiFone, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Vinafood… đã có tên, với mức thoái vốn được công bố lên tới 50%. Thậm chí, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD)... sẽ không cần giữ vốn nhà nước...
Các “bầu sữa” lớn của Hà Nội, TP.HCM như Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn... cũng đã có tên.
Điều quan trọng nhất, cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân đang được hoàn trả ở cả hai góc độ, dung lượng thị trường và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
Ngay trong các ngành, lĩnh vực vẫn có sự chi phối của nhà nước, thì việc cổ phần hóa là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tư nhân có thể là trở thành người đồng sở hữu những cơ hội kinh doanh lớn, tham gia vào cải thiện năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước...
Sự trở lại của thị trường
Giới kinh doanh đang gọi Bộ Công thương là điểm sáng mới của cải cách trong cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản kinh doanh. Còn người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, đây là bộ làm việc này tốt nhất.
Sau khi công bố 123 thủ tục hành chính, thực chất là rào cản kinh doanh, sẽ bãi bỏ trong năm 2017 vào tháng 12 vừa rồi, động thái mới nhất của bộ này là quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Nếu Nhà nước cứ quy định doanh nghiệp phải làm gì, làm thế nào thì vĩnh viễn chúng ta không thể có những doanh nghiệp lớn, năng động, sáng tạo, có sức cạnh tranh, dù Việt Nam có xuất nhiều gạo nhất nhì thế giới đi chăng nữa...
Nghĩa là, 150 doanh nghiệp có tên trong quy hoạch, chủ yếu là doanh nghiệp lớn, đương nhiên có cả Vinafood 1 và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác trong ngành... hết thời kê gối ngủ. Cửa thị trường đã mở rộng, tin mừng cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, mới cũ và cả... ông Nguyễn Đình Cung.
“Nhà nước đang ngồi về đúng vị trí của mình, trả lại quyền quyết định phương thức kinh doanh cho doanh nghiệp. Đó là tin vui!”, ông Cung nói.
Trong suốt hai năm qua, ông Cung gần như đơn độc với tập đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo mà các doanh nghiệp gửi tới ông. Ông đã nhắc đi nhắc lại các câu hỏi, tại sao doanh nghiệp phải sở hữu ít nhất một kho chứa chuyên dụng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc nếu doanh nghiệp không cần, vì họ có thể làm quy mô nhỏ; tại sao đòi doanh nghiệp có ít nhất một cơ sở xay, sát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ... trong khi họ có thể đi thuê...
“Việc đặt ra rào cản quá cao gây ra rất nhiều hệ lụy. Đáng ngại là các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu tập trung vì ít có đối thủ cạnh tranh nên không lo làm thị trường, làm thương hiệu. Kết quả là hạt gạo Việt Nam chỉ bán được ở những phân khúc chất lượng không cao, giá xuất khẩu còn có khi thấp hơn giá bán trong nước”, ông Cung nhìn lại. Mặt khác, các doanh nghiệp trong quy hoạch cũng không quan tâm đến việc đầu tư trở lại cho nông dân, bởi gạo chất lượng nào họ cũng mua.
Tư duy quản lý này thậm chí đã đặt doanh nghiệp Việt vào thế phải lựa chọn nghiệt ngã và phi lý, đó là hoặc lập tức trở thành người khổng lồ hoặc không tồn tại.
“Nếu Nhà nước cứ quy định doanh nghiệp phải làm gì, làm thế nào thì vĩnh viễn chúng ta không thể có những doanh nghiệp lớn, năng động, sáng tạo, có sức cạnh tranh, dù Việt Nam có xuất nhiều gạo nhất nhì thế giới đi chăng nữa”, ông Cung thẳng thắn.
Tình hình đang thay đổi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu từ việc xuất khẩu vài tạ gạo để đo thị trường rồi dần lớn lên, đúng như quy luật kinh doanh trên thị trường...
Chân dung ông chủ mới
Trong số những doanh nghiệp dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017: Cơ hội đầu tư từ cổ phần hóa doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hồi giữa tháng 12 vừa rồi, có một nhân vật khá kín tiếng. Trong giới kinh doanh, ông là người được gọi là kỳ mục, hầu như không vắng mặt trong những kỳ cuộc quan trọng nào, nhưng ông không xuất hiện trên truyền thông.
Lần này cũng vậy, ông ngồi nghe rất kỹ những phân tích của giới chuyên gia kinh tế về cơ hội lớn lên của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam khi Nhà nước đang lui chân mạnh mẽ hơn trong những ngành, lĩnh vực được xác định là xương sống của nền kinh tế, vốn chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước.
“Tôi đang tìm kiếm cơ hội cho mình, nhưng cũng vẫn phải chờ xem thông tin cụ thể của từng doanh nghiệp”, ông cẩn trọng trước câu hỏi về khả năng trở thành đồng sở hữu của những doanh nghiệp nhà nước trong danh sách cổ phần hóa.
Sự cẩn trọng của ông có lý do, bởi ông là một trong những tư nhân đầu tiên gây dựng sự nghiệp kinh doanh của mình bằng một thương vụ mua lại một doanh nghiệp thua lỗ trong lĩnh vực viễn thông. Mặc dù thời điểm này, việc cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông vẫn là đề tài nóng, với khá nhiều quan điểm trái chiều, nhưng 15 năm trước, ông lại gần như không có nhiều đối thủ.
“Lúc ấy, doanh nghiệp bị coi là không còn thuốc chữa, ít người quan tâm. Tôi có tiền, tôi có thông tin để nhìn thấy cơ hội hồi sinh của doanh nghiệp đó và tôi đã quyết định mua lại phần tài sản mà Nhà nước không muốn giữ”, ông này nói. Quan trọng là doanh nghiệp đó đã phát triển tới ngày hôm nay, vẫn trong ngành nghề cũ.
Nhưng hiện tại, ông lại bị cạnh tranh bởi những đối thủ mà ông gọi là vô hình nhưng đáng sợ - đó là mối quan hệ sân sau, thân hữu trong giới doanh nghiệp. “Chính phủ rất kiên quyết đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng, chúng tôi vẫn chưa dễ tìm thấy thông tin cần về doanh nghiệp trong danh mục. Không có thông tin, tôi không thể nói được gì”,vị doanh nhân né tránh báo chí.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tâm tư này. Ông lý giải, sự hào hứng của người mua với doanh nghiệp nhà nước đã bị hao mòn bởi sự chậm trễ trong cổ phần hóa, sự nương nhẹ với khu vực doanh nghiệp nhà nước kéo dài quá lâu. Trong khi đó, các điều kiện thị trường thay đổi liên tục.
“Chính phủ đã thay đổi quan điểm về cổ phần hóa, nhưng sẽ phải làm nhiều việc hơn, khó khăn hơn để thu hút được những nhà đầu tư thực sự. Đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển. Bởi đã đến lúc, số phận của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào những người mua tài sản của doanh nghiệp nhà nước”, ông Thiên thẳng thắn.