“Hỏi” trách nhiệm người đứng đầu nếu không giải ngân đúng tiến độ
Ðể thích ứng với thời “chống dịch như chống giặc”, thông điệp “hành động nhanh và ngay” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, ngày 10/4/2020.
Sau Hội nghị, Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương không chỉ thống nhất tập trung triển khai nhiều gói hỗ trợ trong năm 2020 như: gói hỗ trợ về tiền tệ 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá viễn thông 15.000 tỷ đồng…, mà còn thể hiện quyết tâm cao trong tạo ra sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế. Sức bật đến từ việc khơi thông nhiều dòng vốn, đặc biệt là việc giải ngân hết lượng vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD trong năm nay, đồng thời triển khai thêm nhiều gói hỗ trợ về tài khóa…
“Tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 là khoảng 700.000 tỷ đồng, không để dồn vào cuối năm. Cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân. Nếu đến tháng 9 không giải ngân được, thì báo cáo Quốc hội điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến “điểm nổ” giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, để đảm bảo nền kinh tế nói chung, các dự án trọng điểm quốc gia hấp thụ nhanh lượng vốn này, ngay trước thềm Hội nghị diễn ra, Người đứng đầu Chính phủ đã có một loạt bước đi quyết liệt, sát sao.
Cụ thể, ngoài yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, bảo đảm chất lượng để khởi công toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam muộn nhất vào tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai để đôn đốc trong năm nay cố gắng giải ngân hết 17.000 tỷ đồng bố trí cho xây dựng Sân bay Long Thành.
Tuy đến nay mới giải ngân được 1.176,5 tỷ đồng (đạt hơn 10% dự toán được giao), nhưng tỉnh Ðồng Nai cam kết nỗ lực giải ngân hết số vốn mà Thủ tướng yêu cầu.
Là một trong những địa phương được giao lượng vốn đầu tư công năm nay lớn, phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ cho biết, Thành uỷ sẽ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để rà soát tất cả các điểm nghẽn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn trong bối cảnh Thành phố có khoảng 37.000-40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay.
Tranh thủ mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh hơn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây ra.
Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là rất cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng, việc thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.
Ðồng thời, cần gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước 15 tháng 5 năm 2020.
Do số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 rất lớn (gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện), nên dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư đã định.
Theo đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ thể liên quan.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
Theo Bộ trưởng, cần tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Dồn sức vực các doanh nghiệp
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần gia tăng liều lượng chính sách, hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Với gói chính sách tiền tệ 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành triển khai theo tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới…
Liên quan đến chính sách tài khóa, để có dư địa cho thực hiện các chính sách giảm, miễn thuế, chứ không chỉ dừng lại ở giãn, hoãn thuế như hiện nay, việc giảm chi tiêu từ ngân sách nhà nước cần quyết liệt triển khai.
Ðể giảm được, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).
Liên quan đến gia tăng liều lượng của chính sách tài khóa, đặc biệt là miễn, giảm thuế như trông đợi của nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đang tính toán triển khai nhiều giải pháp. Ðầu tiên là thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gồm: Thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tới để quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020.
Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Nếu thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7.800 tỷ đồng (cả năm là 15.600 nghìn tỷ đồng).
Hà Nội phấn đấu không cắt giảm chi cho đầu tư phát triển
Ông Nguyễn Ðức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Dự báo năm 2020 ngân sách Hà Nội sẽ không đạt như dự toán Chính phủ giao, nhưng Thành phố vẫn sẽ tập trung nguồn lực để bố trí đủ kinh phí cho đầu tư phát triển như kế hoạch vốn đã giao đầu năm, phấn đấu không phải cắt giảm chi cho đầu tư phát triển.
Thành phố sẽ bù đắp phần thiếu hụt ngân sách bằng cách tiết kiệm chi thường xuyên trên 5% (ngoài tiết kiệm chi 10% từ đầu năm), sử dụng nguồn ngân sách kết dư, quỹ dự trự tài chính.
Chúng tôi cũng sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Liên quan đến các DN, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN hoàn thiện các thủ tục về đầu tư để sớm khởi công các công trình dự án mới, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ủy thác, phân bổ và giải ngân nguồn vốn cho vay.
Thời điểm vàng cho đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia, hấp thụ mạnh vốn đầu tư công…”
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Ðây là thời điểm “vàng” cho đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, qua đó gia tăng nhanh khả năng hấp thụ vốn đầu tư công, mang lại lợi ích kép là vừa tạo ra dư địa tăng trưởng mới, vừa tạo ra thêm công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 khiến nhiều lao động bị mất việc làm.
Sở dĩ nói đây là thời điểm “vàng” cho triển khai các dự án trọng điểm là bởi nguồn vốn đầu tư công hiện đã sẵn sàng giải ngân và rất dồi dào, lên tới 30 tỷ USD.
Mặt khác, thực tế cho thấy nhiều dự án, chẳng hạn Sân bay Tân Sơn Nhất, nếu như lưu lượng khai thác dày đặc như trước thời điểm có dịch, thì việc vừa khai thác, vừa thi công gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian và chi phí.
Nay các hoạt động khai thác gần như tạm dừng, nên thi công rất thuận lợi.
Chúng ta cần tranh thủ tối đa bối cảnh này để đẩy nhanh các tiến độ triển khai, cải tạo, nâng cấp các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, để vừa hấp thụ nhanh lượng vốn đầu tư công lớn, vừa xây dựng được hệ thống hạ tầng chất lượng, phục vụ thiết thực cho phục hồi tăng trưởng kinh tế khi dịch qua đi.
Ðể tận dụng được thời điểm “vàng” như hiện nay, mấu chốt là cả cơ quan quản lý, DN cần bám sát tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh là hành động nhanh và ngay, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN…
Rất cần có chính sách cụ thể để DN nhỏ và vừa được hỗ trợ của Chính phủ
Ông Ðặng Thành Tâm, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc.
Mấy tuần trở lại đây, các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc đang dần khôi phục lại hoạt động đầu tư và sản xuất tại Việt Nam.
Một số DN sản xuất những mặt hàng do Trung Quốc đóng cửa nhà máy nên khách hàng (đặc biệt là Mỹ và EU ) không nhập được từ Trung Quốc đã chuyển đơn hàng qua Việt Nam, nên có nhà máy phải hoạt động ngày đêm vượt 100% công suất của họ.
Tuy nhiên, hiện tại chưa thể nói rằng, đây là thời kỳ sau dịch với các DN sản xuất Trung Quốc, Hàn Quốc được.
Tình hình kiểm soát dịch bệnh đã tốt hơn nhưng vẫn đang tiềm tàng diễn biến khó lường mặc dù cả Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang nỗ lực kiểm soát tốt nhất có thể. Việc đình chỉ các chuyến bay chưa biết khi nào khôi phục lại. Nhiều nhà đầu tư đã giãn kế hoạch và điều chỉnh chiến lược trước tình hình dịch bệnh.
Ở trong nước, NHNN đã đề xuất và Chính phủ đã thông qua các gói hỗ trợ DN lên đến nhiều chục nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, các gói này không đến được DN nhỏ và vừa, là đối tượng thực sự cần hỗ trợ, DN nhỏ và vừa luôn chiếm tỷ trọng cao trong tạo công ăn việc làm, tạo nên sự tồn tại và phát triển bền vững.
Nếu thống kê sẽ thấy, 1.000 DN có số dư nợ lớn nhất ở ngân hàng sẽ có tổng vay nợ bằng 80% tổng dư nợ tín dụng của quốc gia, như vậy họ cũng hưởng 80% lợi ích giảm lãi suất và giãn nợ của chương trình, còn hơn nửa triệu DN thì chia nhau 20%.
Bởi vậy rất cần có chính sách cụ thể để DN nhỏ và vừa được hỗ trợ, khi đó chính sách của Chính phủ mới đi vào cuộc sống phát huy và đáp ứng các mục tiêu đặt ra.
Chuyện cấp bách nhất đối với DN hiện nay là thanh khoản dòng tiền và giãn nợ
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet.
Thực tế Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về giải pháp hỗ trợ DN thông qua các gói kích cầu, hỗ trợ về lãi suất, giãn nợ, song điều này chưa đủ và chưa thấm đến “tận chân” DN.
Câu chuyện cấp bách nhất đối với DN hiện nay là thanh khoản dòng tiền, tăng cung tiền, việc giảm lãi suất cũng như giãn thời gian trả nợ cho DN cần được thực hiện quyết liệt hơn.
Ở một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu áp dụng chính sách “bơm” tiền vào từng lĩnh vực dựa trên đánh giá những thiệt hại, cũng như cơ hội vực dậy của từng ngành.
Ðối với Việt Nam, nên chăng Nhà nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ để tạo nguồn và thông qua các ngân hàng thương mại cho các DN được vay vốn mạnh mẽ hơn, để bổ sung cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.
Tất nhiên, bản thân DN phải chứng minh được khả năng trả nợ.
Ðối với các DN ngành hàng không như Vietjet, lúc này có thể nói là thời điểm vô cùng khó khăn khi hầu như bị chặn hết đường bay, giảm nguồn thu trầm trọng.
Bản bộ phận lãnh lãnh đạo Công ty đã chủ động cắt giảm 70% lương, các nguồn chi hiện nay chủ yếu lấy “nguồn đề dành” trước đó.
Nếu tình trạng tiếp tục kéo dài thì nguồn để dành này cũng cạn kiệt. Chúng tôi rất mong muốn Việt Nam sớm kiểm soát được tình hình bệnh dịch để ít nhất các DN hàng không có thể sớm được mở đường bay, trước hết là các đường bay nội địa, sau đó mới tính đến các đường bay quốc tế khi các nước ổn định trở lại.
Cần có chính sách đặc thù mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt hơn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods.
Tôi phải nhấn mạnh rằng, ngành ngân hàng đã có những đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế và các ngành nghề Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp, nhất là giai đoạn đang chịu tác động bởi dịch COVID-19.
Thông tin về gói hỗ trợ tài chính, tín dụng lên tới 250 nghìn tỉ đồng đã dấy lên tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh tế, bởi đó là nguồn lực rất đắc lực để hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn này.
Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên kịp thời thì các chính sách như cắt giảm lãi suất, xem xét giãn nợ… của ngân hàng là những hành động đúng lúc và thiết thực để phần nào giúp DN nỗ lực vượt qua đại dịch.
Ðứng trước bối cảnh toàn thế giới đang gồng mình dồn tâm sức để chống giặc dịch bệnh, khi nhu cầu về lương thực thực phẩm, sản xuất hàng hoá thiết yếu được đặt lên hàng đầu, ngành nông nghiệp trở thành ngành hậu cần, cung cấp nhu yếu phẩm.
Vậy cần phải có chính sách đặc thù cho ngành nông nghiệp vững vàng, bình ổn, đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam và thế giới.
Ðối với ngân hàng, cần có gói tín dụng dành riêng cho ngành nông nghiệp và việc phân loại, phân nhóm DN để có các chính sách phù hợp là điều cực kỳ cần thiết.
Với DN đang có cơ hội, có đầu vào đầu ra thì cần ban hành chính sách tạm thời để gia hạn, giãn nợ trong thời gian dịch.
Ðặc biệt cấp bách nên có những phương thức hỗ trợ tăng nguồn vốn tạm thời bằng các thủ tục đơn giản, không dùng thế chấp bằng tài sản mà thông qua cách thức đánh giá hệ số tín nhiệm, bên cạnh đó, có thể thông qua bảo lãnh DN để trực tiếp cho người nông dân vay vốn tiêu thụ nông sản.
Trong bối cảnh quyết liệt, khẩn trương của mùa dịch Covid-19, thì việc có một cơ chế đặc thù tinh gọn, đơn giản các thủ tục trong việc tiếp cận vốn vay là một trong những yếu tố then chốt bơm máu, tiếp sức DN mạnh mẽ từ Chính Phủ.
Ngoài ra với các chính sách khác như miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí và các sắc thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… cũng nên triển khai đồng bộ, đúng thủ tục pháp lý nhưng phải nhanh gọn, linh hoạt để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xã hội.
Chúng tôi vẫn đang mong chờ những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ và các bộ ngành, địa phương để đồng hành cùng toàn dân chống dịch bệnh, giữ tốc độ phát triển của nền kinh tế, DN bình ổn, để phát triển góp phần an sinh xã hội.
Nhà nước cần giám sát chặt các giải pháp, các gói hỗ trợ trong nền kinh tế
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam.
Nhiều ngân hàng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi, các biện pháp hỗ trợ DN, nhưng mỗi đơn vị làm một kiểu.
Việc hỗ trợ DN khắc phục khó khăn bằng các gói tín dụng và tài khóa là rất cần thiết khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái, song cũng cần lường trước, nhiều DN không được hỗ trợ gì, trong khi có những DN khác có thể được hưởng lợi, không phải vì khó khăn, mà từ việc trục lợi chính sách.
Với bối cảnh kinh tế Việt Nam, các DN vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và rủi ro phá sản rất lớn nếu các gói hỗ trợ không đến kịp lúc này.
Tôi cho rằng, Nhà nước cần sát sao trong giám sát triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ trong nền kinh tế.
Việc thúc đẩy đầu tư công cần phải được thực hiện quyết liệt mới có thể tạo động lực cho cả nền kinh tế chuyển động.