Năm 2023, Chính phủ đã nhiều lần họp trực tuyến với các địa phương để tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ảnh: VGP)
Hôm nay (5/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Đây là hội nghị thường niên, được tổ chức vào đầu năm để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, các giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, ngày càng tích cực hơn, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 5,05% thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,25%; thu ngân sách nhà nước vượt 8,12% so với dự toán trong bối cảnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn cho phép; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.
Các điểm đáng chú ý khác là xuất nhập khẩu có xu hướng phục hồi, cả năm ước xuất siêu khoảng 28 tỷ USD; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, cả năm ước tăng 3,83%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi, cả năm tăng 3,74%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%; giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn năm 2022 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối…
Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và khu vực, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức rất lớn. 5/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý có mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, GDP năm 2023 chỉ tăng 5,05%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Trong đó, công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, cả năm tăng 3,02% (năm 2022 tăng 7,79%). Tốc độ tăng lạm phát cơ bản mặc dù đã chậm lại qua từng tháng, tháng 12 tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước, bình quân cả năm tăng 4,16%, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,2%).
Những khó khăn này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024, trong khi năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chính vì vậy, làm sao tìm được giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là điều vô cùng quan trọng.
Chính phủ hôm nay họp bàn với các địa phương cũng là để tìm ra các quyết sách quan trọng đó. Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2024, một trong những mục tiêu hàng đầu là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng, gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các chỉ tiêu cụ thể bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%... Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Càng thách thức hơn, khi Chính phủ xác định năm 2024 sẽ là năm bứt phá để về đích.
Quốc hội khi thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đưa ra 12 giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giờ là lúc Chính phủ phải thảo luận, “chốt” nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, đưa vào triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nhằm hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2024.
Sau Hội nghị, dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết số 01 về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội và Nghị quyết 02 về các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Năm nay, hai nghị quyết này sẽ được ban hành riêng biệt, thay vì được gộp chung vào một nghị quyết như trong 2 năm vừa qua.