Hiện có 7.000 MW điện gió được Bộ Công thương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện
Theo đó, do chậm tiến độ đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn được quy hoạch với tiến độ đưa vào vận hành đến năm 2023 nên hệ thống điện quốc gia dự kiến đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn nếu không có giải pháp điều hành phù hợp và kịp thời. Do đó, đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió như đề nghị của Bộ Công thương.
Bộ Công thương được giao chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cập nhật các dự án điện gió vào quy hoạch điện lực theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung, kiên quyết chống tiêu cực, không để xẩy ra tình trạng “xin-cho” các dự án.
Ngoài ra văn bản 693/TTg-CN cũng yêu cầu, Bộ Công thương khẩn trương xử lý các kiến nghị bổ sung quy hoạch điện gió của các địa phương đã gửi Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Quốc hội để rà soát, xem xét, bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện theo quy định với các dự án điện gió phù hợp ở những địa phương có tiềm năng và thuận lợi phát triển điện gió, có khả năng giải tỏa công suất nhưng hiện có ít dự án và có thể triển khai thực hiện nhanh bổ sung nguồn cung ứng điện cho đất nước.
Bộ Công thương cũng được giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý các kiến nghị của Ban kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về các vấn đề có tính cấp bách về phát triển năng lượng và bổ sung quy hoạch điện gió của các địa phương.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản 1931/BCT-ĐL và 3299/BCT-ĐL đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.
Đáng nói là trước 7.000 MW điện gió đang được đề nghị bổ sung hiện nay, các cơ quan chức năng đã bổ sung tới 4.800 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.
Trong công thư gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vào ngày 15/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viết:
“Phát triển điện mặt trời là một kinh nghiệm đắt giá. Nay điện LNG, điện gió đang có xu hướng tương tự. Nhiều tỉnh thành trong cả nước thời gian qua như một phong trào liên tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch. Công tác quản lý Nhà nước và quy hoạch ngành điện đã không theo kịp thực tiễn phát triển.
Thường trực Chính phủ chưa đủ cơ sở để họp xem xét chủ trưởng điều chỉnh mục tiêu phát triển điện gió tới năm 2025 và năm 2030. Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Tổng sơ đồ điện 8 với các tính toán khoa học, thực tiễn về cơ cấu nguồn và truyền tải để đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững. Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ muộn nhất tháng 10/2020”.