Để sử dụng vốn TPCP còn dư, Chính phủ đề xuất Quốc hội phương án sử dụng nhằm hoàn thành các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; sử dụng vốn thi công một số tuyến tránh, một số nút giao và mở rộng một số đoạn nhằm đồng bộ quy mô và đảm bảo an toàn giao thông.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội bố trí vốn cho một số công trình có tính kết nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Trường hợp vẫn còn vốn dư thì bố trí cho các dự án giao thông quan trọng khác thuộc danh mục dự án sử dụng vốn TPCP.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao quyết định sử dụng nguồn vốn TPCP tiếp tục còn dư (nếu có) để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư hai tuyến đường.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng 14.259 tỷ đồng vốn TPCP dư nêu trên. Theo đó, các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP được Quốc hội quyết định, hoặc là các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với 2 tuyến đường. Đồng thời, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về phương án phân bổ vốn dư, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với danh mục, mức vốn được phân bổ theo nội dung Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, ngân sách còn nhiều khó khăn, vốn TPCP lại là vốn vay, trong trường hợp đã hoàn thành mục tiêu của các dự án thì không nên tiếp tục phát hành, phân bổ, sử dụng nguồn vốn TPCP dư này.
Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 22/10, một số ý kiến ủng hộ phương án không phân bổ nguồn vốn TPCP còn dư, mà để lại bổ sung cho thiếu hụt vốn TPCP nhằm giảm bớt nợ công.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP. HCM) cho rằng, việc dư hơn 14.000 tỷ đồng vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Đáng mừng là trong 2 dự án, Bộ Giao thông Vận tải làm được điều trước đây chưa làm được là không để chậm tiến độ. Trước đây, các nhà thầu bỏ giá thấp, sau đó kéo dài tiến độ, rồi yêu cầu bù đắp trượt giá để lấy lại phần bỏ thầu thấp. Dự án đã khắc phục được tình trạng này. Đáng lo là phần dư xuất phát từ thay đổi quy mô dự án, bớt làn đường, giảm độ dày bê tông. Vấn đề này, Chính phủ cần đánh giá, giải trình thêm tuổi thọ dự án.
Về số vốn còn dư, đại biểu Thủy Trang nhất trí chỉ bố trí vốn cho những dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, nhưng không nhất thiết sử dụng hết vốn dư vì đây là vốn vay, cần rà soát kỹ để có đầu tư hợp lý.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nhận xét, hiện tượng dư vốn ở 2 dự án cho thấy, gần đây, dự toán dư thiết kế. Quốc hội cần có đánh giá mức độ, quy mô các dự án. Đồng thời, đánh giá trách nhiệm của những người lập dự toán 2 dự án. Uỷ ban Tài chính Ngân sách, Uỷ ban Kinh tế, các ủy ban liên quan cần làm rõ để xem xét tình hình cả nước. Đại biểu Tiếp không đồng tình với tờ trình của Chính phủ là chuyển vốn sang công trình khác, trong khi các khoản chi khác, trả nợ khác lại phải đi vay thêm.
“Chúng ta nên lấy 14.000 tỷ đồng bù đắp vào thiếu hụt TPCP trong năm nay. Nên đầu tư ngay vào nâng cấp chính 2 tuyến đường này, còn đường kết nối cần cân nhắc thật sự có hiệu quả hay không”, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nói.