Sáng 27/6 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Thủ tướng, trình Quốc hội một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Tại tờ trình này, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2023.
Cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn NSTW của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2023.
Đối với 4 dự án là Dự án sân bay Gia Bình (Bắc Ninh), xây dựng mới trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại 262 Đội cấn; Dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp (giai đoạn 1); Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Chính phủ đề xuất cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Quyết định này dựa trên căn cứ nguồn vốn và mức vốn dự kiến bố trí cho dự án từ nguồn vốn tăng thu NSTW năm 2023, nguồn vốn giai đoạn 2026-2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Chính phủ cho biết các dự án này dự kiến được bố trí 4.520 tỷ đồng. Theo đó, bố trí 1.000 tỷ đồng cho Bộ Công an thực hiện Dự án Sân bay Gia Bình. Bố trí 1.520 tỷ đồng cho 2 dự án của Tòa án nhân dân Tối cao. Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được bố trí 2.000 tỷ đồng.
Tại báo cáo đầy đủ, Chính phủ giải thích, theo quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công, một trong các điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư dự án là phải xác định được nguồn vốn.
Tuy nhiên, trong các dự án dự kiến sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2023, có 4 dự án nêu trên gặp vướng mắc chưa cân đối đủ nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo Chính phủ, các dự án khởi công mới đang đề xuất nguồn tăng thu NSTW năm 2023 là các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao sau thời điểm xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (giao vào các năm 2022,2023) nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này không còn hạn mức nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trường hợp cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án này sẽ vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công. Nhưng nếu không phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thì không thực hiện đầu tư và giải ngân vốn tăng thu NSTW năm 2023 đang dự kiến cho dự án.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và tỉnh Tuyên Quang, 4 dự án đã được Ban cán sự đảng Bộ Tài chính báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đồng ý chủ trương về định hướng phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm dự toán chi thường xuyên của NSTW năm 2023. Vì vậy, để các cơ quan có thẩm quyền đủ căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép 4 dự án nêu trên được phê duyệt chủ trương đầu tư: Căn cứ nguồn vốn và số vốn dự kiến cho dự án từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2023, nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguồn vốn hợp pháp dự kiến bố trí cho các dự án từ: nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2024, 2025 (nếu có), nguồn dự phòng NSTW hằng năm theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và phần còn lại bố trí trong giai đoạn 2026-2030 bảo đảm quy định của pháp luật.
Các dự án nêu trên đề xuất áp dụng chính sách đặc thù tương tự như 10 dự án đã được Quốc hội cho phép tại các Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 và số 112/2024/QH15 ngày 18/1/2024.
Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Giữa 2 kỳ họp Quốc hội, báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn NSTW của KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2023.
Cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn NSTW của KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2023.
Riêng các dự án chưa cân đối đủ nguồn để phê duyệt chủ trương đầu tư, vượt quá 20% tổng số vốn KHĐTCTH giai đoạn trước của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công, cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án căn cứ nguồn vốn và mức vốn tăng thu NSTW năm 2023 dự kiến bố trí cho dự án, nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).