Chính phủ đề nghị lùi sửa Luật Đất đai đến nhiệm kỳ sau

Theo nghị quyết của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai được cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020, song Chính phủ đề nghị lùi sang nhiệm kỳ sau.
Nếu Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất lùi sửa Luật Đất đai đến nhiệm kỳ sau thì việc sửa Luật Đất đai sẽ hơn một lần "lỡ hẹn". Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày  tờ trình của Chính phủ (Ảnh: Quochoi.vn)

Nếu Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất lùi sửa Luật Đất đai đến nhiệm kỳ sau thì việc sửa Luật Đất đai sẽ hơn một lần "lỡ hẹn". Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 21/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020.

Với chương trình năm 2020, đáng chú ý là Chính phủ tiếp tục xin lùi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14, dự án luật này sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10. Nay, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình năm 2020.

Lý do thứ nhất được nêu tại tờ trình của Chính phủ là hiện nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; chế độ quản lý, sử dụng đất để xây dựng căn hộ, biệt thực du lịch, văn phòng kết hợp với lưu trú; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài…

Thứ hai, qua thảo luận, Chính phủ thấy rằng Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị - xã hội và không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và Đại hội Đảng các cấp.

Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.

Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trước mắt, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng ngay Nghị quyết của Quốc hội để để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua

Nghị quyết này được đề nghị vào chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội theo quy trình một kỳ họp.

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, nhiều ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình đưa ra khỏi chương trình năm 2020 đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để sau Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai ngay tại kỳ họp thứ 9 về bản chất cũng là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Do đó, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật này tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) mà không cần thiết ban hành Nghị quyết.

Nếu Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất trên thì việc sửa Luật Đất đai sẽ hơn một lần "lỡ hẹn". Bởi theo nghị quyết số 57/2018/QH14, dự án luật này thuộc chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8). Nhưng, trong phiên họp tháng 4/2019 Chính phủ đã đề nghị rút ra khỏi chương trình năm 2019, vì nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.

Song tại kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2019), khi xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Quốc hội đã không đồng ý rút khỏi chương trình theo đề xuất của Chính phủ mà chỉ cho lùi đến giữa năm 2020 phải trình Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Việc có tiếp tục cho lùi nữa hay không phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội tại kỳ họp sẽ khai mạc vào cuối tháng 5 năm nay.

Tin bài liên quan