Chính phủ đặt yêu cầu phá băng tình trạng trì trệ của nền kinh tế

Chính phủ đặt yêu cầu phá băng tình trạng trì trệ của nền kinh tế

(ĐTCK) “Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo, để nền kinh tế không tiếp diễn tình trạng trì trệ như hiện tại, qua đó đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn từ tháng 8/2014...”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay.

Phải tạo chuyển biến từ tháng 8

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014 diễn ra chiều 31/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, đánh giá về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2014, Chính phủ thẳng thắn nhận thấy, tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nếu tiếp tục duy trì sự tăng trưởng như từ đầu năm đến nay, đồng thời không có các giải pháp đột phá, thì sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể sớm vượt qua. Sự trì trệ này, theo đánh giá của Chính phủ, biểu hiện qua tổng cầu của nền kinh tế yếu, CPI 7 tháng thấp, tăng trưởng tín dụng thấp...

Để dần đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh cần khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ điều hành kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, để đảm bảo từ tháng 8 này phải tạo được sự chuyển biến để nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho DN... Phải sớm tạo đột phá trong cải cách hành chính, để hỗ trợ DN, mà trước hết là thủ tục về thuế, hải quan...

Gói hỗ trợ mới về thuế cho doanh nghiệp

“Sau phiên họp tháng 7/2014, Chính phủ sẽ có nghị quyết về một loạt các giải pháp quan trọng cần triển khai trong thời gian tới, trong đó có các giải pháp hỗ trợ về thuế...”, ông Nên nói.

Đề cập cụ thể hơn các biện pháp hỗ trợ về thuế cho DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Chính phủ đã thảo luận Tờ trình của Bộ Tài chính về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN.

Trong đó, có 8 giải pháp thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 15 giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các giải pháp này vừa hỗ trợ về giảm nghĩa vụ thuế cho DN, vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính, để tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho DN.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày đối với số tiền thuế GTGT của máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, mà tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên. Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN.

“Theo ước tính, mỗi năm các DN nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD máy móc, thiết bị. Việc rút ngắn thời gian hoàn thuế cho DN, sẽ giúp họ tiết giảm được khoảng  1.700 - 1.800 tỷ đồng/năm chi phí vốn...”, ông Tuấn nói.

Bộ Tài chính còn đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm đối với DN thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước chậm thanh toán.

Các giải pháp trên sẽ được triển khai sau khi có nghị quyết của Chính phủ. Riêng các giải pháp về thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng 10 tới xem xét đưa vào Nghị quyết của Quốc hội 15 giải pháp về thuế hỗ trợ DN. Các giải pháp này gồm 6 nội dung về thuế thu nhập DN, 3 nội dung về thuế thu nhập cá nhân, 2 nội dung về thuế GTGT...

Ngoài đề xuất Quốc hội xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp thuế trong năm 2014..., Bộ Tài chính còn đề xuất Quốc hội khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế đối với: các khoản chi tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh…, vì những chi phí này là cần thiết cho DN và sẽ minh bạch, cụ thể trong tổ chức thực hiện.  

Tin bài liên quan