Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2/2021, Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa được hoàn thiện để gửi đến Quốc hội đã cân đối hơn trong đánh giá kết quả và hạn chế, đồng thời có thêm khẳng định “Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Đã giải quyết hơn 17.700 kiến nghị của cử tri
Theo Hiến pháp, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 24/3/2021, Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ được Thủ tướng trình bày ngay trong phiên khai mạc, sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ và hội trường về báo cáo này.
Phục vụ việc thảo luận của Quốc hội, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo nói trên trong Phiên họp thứ 53; Chính phủ đã tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện. Ngày 16/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp cùng Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tổ chức phiên họp để thẩm tra Báo cáo số 75/BC-CP ngày 13/3/2021 tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ký Báo cáo số 75/BC-CP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự giám sát của Quốc hội, triển khai kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 2.600 câu hỏi chất vấn trực tiếp và gần 1.000 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chính phủ cũng trả lời, giải quyết hơn 17.700 kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, cam kết giải quyết, khắc phục những hạn chế, bất cập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Đánh giá ưu điểm, Báo cáo nêu rõ, nhiệm kỳ này, Chính phủ luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, sáng tạo, kiên định, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Nhìn chung, giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn, đóng góp của các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế đồng đều hơn. Trong đó, nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành một động lực thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Cuối phần đánh giá về ưu điểm là nhận định khái quát: “Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với nhiều đánh giá về kết quả. Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, nhiệm kỳ này mặc dù tình hình kinh tế thế giới luôn biến động, nhưng Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; duy trì nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu gắn với phát triển vững chắc thị trường nội địa; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, tạo khí thế mạnh mẽ, niềm tin và quyết tâm lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Xác định rõ hơn trách nhiệm và biện pháp xử lý
Tiếp thu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Báo cáo mới hoàn thiện của Chính phủ đã cân xứng hơn giữa đánh giá về kết quả đạt được với đánh giá về những tồn tại, hạn chế.
Nếu như Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 53 dành khoảng hơn 1 trang trong 58 trang để nhìn nhận 6 hạn chế của cả nhiệm kỳ và chỉ có hơn 6 dòng về nguyên nhân của những hạn chế đó, thì Báo cáo gửi Quốc hội ngày 13/3 đã dành gần 2 trang nêu 9 hạn chế và gần 1 trang để nhìn nhận cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan của những hạn chế.
Đáng chú ý là, sau khi hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã bổ sung một số hạn chế chưa được nêu tại báo cáo trước. Như, việc thực hiện các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế trên một số lĩnh vực chưa đạt như kỳ vọng; phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, việc đổi mới các mô hình tổ chức sản xuất còn chậm; việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp tại một số địa phương hiệu quả chưa cao. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản còn kém phát triển, nhất là khâu bảo quản. Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ còn chậm, cơ cấu chưa hợp lý. Việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra do ảnh hưởng của các yếu tố khách quan và còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hạn chế nữa cũng mới được bổ sung là phát triển kinh tế vùng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, tác động lan tỏa và liên kết của các vùng kinh tế trọng điểm với các vùng lân cận còn thấp, các liên kết nội vùng còn bất cập. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm; hạ tầng giao thông, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị còn hạn chế. Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại các thành phố lớn, nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi.
Trong 3 nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế trên, Báo cáo của Chính phủ không nêu một địa chỉ cụ thể nào, mà chỉ nói là một số trường hợp người đứng đầu còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, đôi khi còn tâm lý trông chờ, chưa chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; một số cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ...
Cách đánh giá này, theo cơ quan thẩm tra là còn tương đối khái quát, đối với các nguyên nhân chủ quan cũng chưa gắn với bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương, cá nhân cụ thể. Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, nếu không gắn được với địa chỉ cụ thể, thì cũng phải nêu được nhóm bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực hoặc bộ phận cán bộ, công chức nào để xác định rõ hơn trách nhiệm và biện pháp xử lý.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung phân tích, đánh giá việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu về tiến độ trong Nghị quyết số 63/2018/QH13; đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân.
“Rất hài lòng về hoạt động của Chính phủ”
Đầu tuần này, trong Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc lại: “Phiên họp trước, cho ý kiến về Báo cáo Tổng kết của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội thấy rất hài lòng về hoạt động của các thành viên Chính phủ tại Quốc hội. Các thành viên Chính phủ đứng trước Quốc hội để giải trình, để báo cáo đều rõ ràng, lưu loát, nắm công việc trên từng lĩnh vực rất chặt chẽ, sâu sắc, hỏi tới đâu là trả lời được tới đó. Điều đó đã nâng cao vị thế và quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân”.