"Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ tên gọi mới cho Luật Hợp tác xã"

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ còn băn khoăn về phương án đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Phiên họp sáng 20/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp sáng 20/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ còn băn khoăn về phương án đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ phương án này.

Sáng 20/9, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật với hai phương án.

Theo đó, phương án 1 được Chính phủ chọn là: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác

Lý do chọn phương án này, theo Bộ trưởng là phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao.

Tên mới này cũng phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật, với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên...

Phương án 2 vẫn giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã, theo đề nghị của một số cơ quan, lấy hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế hợp tác khác, bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã, không ảnh hưởng đến việc tra cứu, sử dụng và áp dụng luật.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, phương án này không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; vấn đề thay đổi tên Luật cũng có thể được xử lý bằng quy định về việc dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã năm 2012 của các văn bản khác đang còn hiệu lực sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định của Luật này.

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị giữ nguyên tên gọi hiện nay là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình nên giữ tên gọi cũ là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Vì, "khái niệm tên hợp tác xã gắn với lịch sử phát triển. Luật Hợp tác xã 1996, Luật Hợp tác xã 2003, Luật Hợp tác xã 2012 đều lấy tên này cả, quốc tế có Liên minh Hợp tác xã, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có tổ chức này, nghe nó ăn sâu thành thói quen rồi, kể cả truyền thông, kể cả pháp luật dẫn chiếu thuận lợi nên sửa tên không cần thiết", Chủ tịch Quốc hội nói.

Lý do thứ hai không nên đổi tên, theo Chủ tịch Quốc hội là bản thân tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng không ngăn cấm việc bổ sung phạm vi điều chỉnh.

Ví dụ, Luật Quản lý thuế phạm vi điều chỉnh bao gồm thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, nhiều khoản không phải thuế, nhưng vẫn đưa vào Luật Quản lý thuế. Hay Luật Đầu tư công nhưng nhiều nội dung như kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn đưa được vào trong Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Song, Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm là "nếu thuận đủ đường mà không có ảnh hưởng gì đến việc thiết kế chính sách cho dự án luật này thì sửa cũng không sao, nhưng tóm lại là vẫn nên giữ tên cũ".

Nêu rõ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn "cũng thống nhất tên là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), không lấy tên gì khác, vẫn là tên cũ".

Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, hai luồng ý kiến khác nhau về tên gọi đều có lý.

"Chính phủ cũng đã cân nhắc rất kỹ và lựa chọn, tất cả 100% thành viên Chính phủ thống nhất lấy tên gọi mới để có tính chất phù hợp với Nghị quyết 20-NQ/TW, đó là bao phủ các loại hình kinh tế hợp tác khác nhau", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, hợp tác xã chỉ là một loại hình trong các hình thái của mô hình kinh tế hợp tác. Còn bản chất của mô hình kinh tế hợp tác là từ tổ hợp tác đến hợp tác xã, đến Liên đoàn, Liên minh, trong thời gian tới có thể có nhiều hình thái khác nhau.

"Chúng tôi cũng phân tích rất kỹ và trong Chính phủ cũng muốn thay đổi tên mới, vừa phù hợp với Nghị quyết mới, chủ trương mới, tinh thần đổi mới và cũng phù hợp với thực tiễn, phù hợp với cả thông lệ quốc tế và tạm thời chúng ta có thể hiểu là tạm quên khái niệm về mô hình kinh tế hợp tác kiểu cũ. Hiện nay, mọi người có một thái độ rất kỳ thị đối với hợp tác xã kiểu cũ. Chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới, có một hình thức tổ chức kinh tế hợp tác mới để thay đổi nhận thức trong xã hội và trong các thành viên thì đấy là mục đích chính của chúng tôi, rất mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc và cho giữ nguyên", Bộ trưởng trình bày.

Trưởng ban Soạn thảo dự án luật đề nghị "nếu được thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trình ra Quốc hội 2 phương án, như Chính phủ trình".

Bên cạnh nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn góp ý nhiều vấn đề khác để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Tin bài liên quan