Chính phủ ban hành chương trình hành động nhằm phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Chính phủ ban hành chương trình hành động nhằm phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ-TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Chính phủ đã có một chương trình hành động toàn diện, với nhiều nhiệm vụ được giao cho các bộ ngành, địa phương.

Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Theo đó, các mục tiêu cụ thể đã được vạch ra. 

Cụ thể, đối với nguồn nhân lực, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước. Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.

Đối với nguồn vật lực, đến năm 2025, hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị.

Đối với nguồn tài lực, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP…

Để thực hiện mục tiêu này, các nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, xây dựng và quyết liệt thực hiện các giải pháp, đặc biệt là giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế; xây dựng các hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, tập trung hướng dẫn, xây dựng tiêu chí đánh giá, thẩm định hiệu quả kinh tế - xã hội dự án đầu tư công.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành nghiên cứu, xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể tham gia.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư, phân bổ nguồn vốn, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quyết định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự quản lý thống nhất chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây tổn thất, lãng phí trong đầu tư. 

Bên cạnh đó, xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn cho các dự án đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan