Lịch sử các tranh chấp bảo hiểm liên quan đến công ty sản xuất tôn mạ kẽm trong lĩnh vực vận tải, nhập khẩu thép cuộn mạ kẽm cho thấy, công ty này đã từng nhiều lần cho các doanh nghiệp bảo hiểm “đo ván” tại các phiên phúc thẩm. Các thương hiệu lớn như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI... đều phải ngậm ngùi rút hầu bao chi trả sau mỗi 2 phiên tòa, chưa ai thắng nổi phiên nào!
Lần này, Tổng công ty Bảo hiểm G quyết định giao cho chúng tôi bảo vệ, “chinh chiến” ở phiên phúc thẩm, sau khi bị ekip luật sư của khách hàng hạ knock-out ở vòng sơ thẩm.
Chúng tôi đã nghiên cứu các bản án trước có liên quan đến khách hàng này, giờ họ sẽ phải làm việc với một ekip hoàn toàn khác, mới, mạnh mẽ, am hiểu bảo hiểm, với đấu pháp sơ đẳng không ngờ tới! Tất cả chứng cứ đều nằm trong quyển sách giáo khoa lớp 12.
Trong vụ án mà chúng tôi đảm nhận, đáng buồn là trên đơn bảo hiểm không đề rõ loại trừ, chỉ đề theo điều khoản ICC loại A, nên mới dẫn đến ra toà.
Do phiên tòa ngày 17/10/2017, phía nguyên đơn xin hoãn nên tiếp tục xử cấp sơ thẩm lần 2 vào chiều 8/11, với phần xét hỏi, các bên đều được tòa tạo điều kiện hỏi đáp với số lần ngang nhau. Các câu hỏi của Viện Kiểm sát, theo chúng tôi là khách quan, xoáy vào trọng tâm nhằm làm rõ bản chất của hợp đồng bảo hiểm.
Cuối phiên xét xử này, chúng tôi có phần hơi lúng túng trước các luận cứ khá chắc chắn của nguyên đơn. Theo điều khoản bảo hiểm đã được hai bên thông qua trước đó, điều khoản ICC loại A không loại trừ rủi ro “hấp hơi” được ghi trong hợp đồng, không khí và hơi nước đã xâm nhập đọng thành nước, phản ứng oxy hóa khiến cho thép bị gỉ/hoen ố.
Còn chúng tôi thì bảo vệ quan điểm, “hấp hơi” là một biến cố chắc chắn xảy ra trong quá trình vận chuyển từ vùng ôn đới, nhiệt độ thấp, khô ráo sang vùng nhiệt đới, có nhiệt độ và độ ẩm cao. Đây là biến cố chắc chắn nên nó mặc nhiên không được bảo hiểm, dù có ghi trong hợp đồng hay không. Sau phút giây lúng túng, tòa tạm dừng, ngồi lại trao đổi, chúng tôi đã có luận cứ phản biện khác, ngày 22/11/2017 xét xử lần 3.
Có ý kiến cho rằng, những cuộn bao bì không hỏng cũng không bị rỉ sét, nhưng có thể bao bì rách trước khi lên tàu nên mới bị hấp hơi. Với nhiệt độ khoảng 16 độ C tại Trung Quốc thì không khí lạnh có nước sẽ chui vào trong cuộn thép.
Trong khi vận chuyển, nhiệt độ sẽ thay đổi, làm cho nước từ thể khí chuyển sang thể lỏng và gây ra oxy hóa. Nếu tòa bắt phải bồi thường vì oxy hóa, thì phía khách hàng cần phải chứng minh bao bì rách khi nào và phải chứng minh rách trước khi lên tàu để có thể bảo vệ được quan điểm không thuộc phạm vi.
Do đó, nếu không chứng minh được là bản chất hàng hoá, ẩn tỳ hay hàng bị tổn thất trước khi bắt đầu hành trình được bảo hiểm thì các rủi ro được bảo hiểm cũng rộng.
Hấp hơi là “biến cố chắc chắn”, nó không phải là “rủi ro”. Điều khoản ICC loại A chỉ bảo hiểm cho mọi rủi ro, không bảo hiểm cho biến cố chắc chắn. Định nghĩa về rủi ro là tiên đề của bảo hiểm. Nó như tiên đề Euclid (Ơ-clit) trong toán học, giữa hai điểm kẻ được 1 đường thẳng, nối 3 điểm bất kỳ sẽ tạo thành tam giác.
Vụ tranh chấp bảo hiểm liên quan đến “hấp hơi” - hiện tượng xảy ra đối với các lô hàng vận chuyển từ vùng lạnh/ôn đới, khô ráo sang vùng nóng/nhiệt đới, ẩm ướt
Liên quan đến vụ này, có ý kiến hỏi chúng tôi rằng, biến cố chắc chắn của việc hấp hơi có thể hiểu là tất cả các lô hàng tương tự trên toàn thế giới đều chắc chắn sẽ bị như thế phải không? Nếu như ngay trong chính lô hàng đó có hàng không bị như thế thì biến cố chắc chắn đó có thành không chắc chắn không? Tòa sẽ xử theo nguyên tắc ngành hay theo hợp đồng, dù hợp đồng có thể trái nguyên tắc, nhưng không trái luật?
Chúng tôi trả lời như sau, tại phiên tòa phúc thẩm, các bên tranh luận về hiện tượng hấp hơi của hàng hóa, bên nguyên đơn cho rằng, “hấp hơi” là một rủi ro. Hiện tượng hấp hơi chính là nguyên nhân làm cho hàng hóa bị tổn thất. Kết luận giám định khẳng định, có hiện tượng hấp hơi xảy ra. Điều kiện bảo hiểm A bảo hiểm cho mọi rủi ro không bị loại trừ, hợp đồng bảo hiểm không loại trừ “rủi ro hấp hơi”, do đó nhà bảo hiểm phải bồi thường.
Bảo vệ cho bị đơn, chúng tôi đã phản bác luận điểm trên, chúng tôi khẳng định hiện tượng hấp hơi không phải là rủi ro, nó là một biến cố chắc chắn đối với các lô hàng đi từ vùng lạnh/ôn đới, khô ráo sang vùng nóng/nhiệt đới, ẩm ướt. Đặc biệt, khi hàng hóa là các cuộn thép, nó như cục nước đá để trong ly. Một trăm ly café đá để ở bất kỳ vùng nào của Việt Nam, cả 100 ly đều “đổ mồ hôi”. Do đó, nó không phải là “rủi ro”. Vì vậy, các luận cứ của nguyên đơn là không có cơ sở.
Điều này cũng không đồng nghĩa với câu hỏi, có phải tất cả các chuyến hàng vận chuyển trên thế giới đều “đổ mồ hôi” như thế hay không. Đối tượng nghiên cứu, xem xét của vụ án cụ thể này chỉ mang ý nghĩa riêng của nó.
Còn về câu hỏi: “Tòa sẽ xử theo nguyên tắc ngành hay theo hợp đồng, dù hợp đồng có thể trái nguyên tắc, nhưng không trái luật?”, theo chúng tôi, mỗi vụ án sẽ được các bên khai thác thông tin lợi thế của mình và phi lợi thế của đối phương. Các nguyên tắc chuyên ngành sẽ được vận dụng tùy thuộc vào hiểu biết của các bên về nguyên tắc đó.
Tòa sẽ lắng nghe hai bên trình bày, ai có cơ sở, chứng cứ vững chắc, lý luận hợp logic, phù hợp quy định pháp luật, bên đó sẽ có lợi thế so với đối phương. Như vậy, một cách tổng quát, sẽ không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, mà đó là một quá trình vận dụng các nguyên tắc và các điều khoản ký kết trong hợp đồng nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mỗi bên trước cáo buộc của bên còn lại.
Tuy nhiên, do tại Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống tòa chuyên trách như nhiều nước khác, nên các vụ án liên quan đến bảo hiểm vẫn đang được tòa kinh tế của tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử. Do đó, phát sinh những hạn chế nhất định trong trường hợp thẩm phán và viện kiểm sát chưa thực sự am tường về ngành này, dẫn đến vụ án bị kéo dài so với bình thường, vì cần có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, trao đổi với các bên liên quan. Thậm chí, tòa án có thể xử sai (vòng sơ thẩm phán một đằng, đến vòng phúc thẩm lại phán một nẻo).